.

Bấm huyệt sai cách sẽ gây tổn hại sức khỏe

Cập nhật: 09:51, 26/07/2019 (GMT+7)

Không ít người có thói quen đi xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu mỗi khi bị đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, thực tế có những người sau khi xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu bị tổn thương nghiêm trọng. Nguyên nhân là do việc xoa bóp, bấm huyệt không đúng cách và không phù hợp với thể trạng từng bệnh nhân.

Mới đây, một bệnh nhân nữ hơn 50 tuổi có bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nhưng chưa đến mức nghiêm trọng. Vì thấy đau mỏi nhiều nên bà đã chủ động đi xoa bóp, bấm huyệt thầy lang ở gần nhà. Sau khi về nhà được tầm 6 giờ đồng hồ thì xuất hiện tê bì chân phải tăng dần, kèm theo cảm giác tức nặng chân. Sau hơn 1 giờ, chân phải của bà không thể nhúc nhích được, và dần lan sang từ vùng ngang ngực xuống đến hết hai chân khiến bà mất hoàn toàn khả năng vận động và cảm giác. Hai tay bà cũng bị tê bì và yếu. Gia đình đã đưa bà đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức để điều trị. Qua thăm khám, bác sĩ cho chụp cộng hưởng từ cấp cứu để tìm kiếm nguyên nhân, cho thấy bà có một khối máu tụ rất to đang chèn ép nặng cột sống cổ, đó chính là nguyên nhân gây liệt hai chân của bà. Ca mổ cấp cứu được tiến hành trong thời gian 2 giờ đồng hồ để loại bỏ khối máu tụ lớn trong cột sống cổ của bà, giải phóng chèn ép tủy thần kinh. Nhờ mổ cấp cứu kịp thời, bà mới thoát được nguy cơ bị liệt.

Điều dưỡng hỗ trợ bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh
Điều dưỡng hỗ trợ bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh

Một trường hợp khác, nữ bệnh nhân 60 tuổi ở tại phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu có bệnh lý thoái hóa khớp gối, không đến mức nghiêm trọng, chỉ cần nghỉ ngơi, tịnh dưỡng và hạn chế việc đi bộ để giảm đau nhức. Thế nhưng, nghe bạn bè mách bảo bà tìm đến nhà một thầy lang trong khu phố để chữa trị bằng phương pháp bấm huyệt. Sau mỗi lần bấm huyệt, bà cảm thấy đỡ đau nhức và nghĩ rằng mình đã đỡ bệnh nên vẫn tiếp tục đi bộ thể dục buổi sáng. Tuy nhiên, sau vài tháng chân bà đau nhức dữ dội, đi lại khó khăn. Lúc này, bà mới lên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh để thăm khám. Bác sĩ kết luận bà bị viêm khớp gối nghiêm trọng và phải điều trị lâu dài. 

Trao đổi vấn đề này với bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa Đông y BV Lê Lợi, xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu là những phương pháp trị liệu không dùng thuốc của y học cổ truyền. Tuy nhiên, cũng như tất cả các phương pháp điều trị của y học đều cần phải qua thăm khám và chỉ định của bác sĩ có chuyên môn. Hiện nay có quá nhiều người vội vàng nghe lời mách bảo thầy này cô kia nắn bóp-đắp thuốc-kéo dãn có thể chữa lành các bệnh này, mà tìm đến để rồi phải trả giá đắt. Với những người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, khi bấm huyệt, xoa bóp sai cách có thể gây tổn thương đĩa đệm gây ra tình trạng liệt hai chân; nếu ở vùng cột sống cổ có thể gây liệt tứ chi. Người bị thoái hóa khớp, viêm đa khớp nếu bấm huyệt, xoa bóp sai cách sẽ làm cho tình trạng viêm nặng hơn như trường hợp kể trên, gây tràn dịch khớp, tổn thương dây chằng, khiến người bệnh khó có thể đi lại được bình thường. Còn với phương pháp châm cứu, nếu người châm không có chuyên môn có thể châm lệch vào những vùng tạng (tim, phổi, ổ bụng) rất nguy hiểm. Khoa đã từng tiếp nhận một trường hợp sau khi đi châm cứu đốt sống lưng đã bị tràn khí màng phổi, dẫn đến viêm phổi mãn tính. 

Khi có vấn đề về xương khớp, cột sống, bệnh nhân nên đi khám sớm và tìm kiếm phác đồ điều trị, lời khuyên tư vấn từ những bác sĩ có chuyên môn. Khi kết hợp điều trị các phương pháp y học cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, bệnh nhân nên tìm đến những cơ sở y tế có uy tín được đào tạo bài bản, có giấy phép hoạt động chính thức. Bác sĩ có chuyên môn về y học cổ truyền sẽ kiểm tra tình trạng tổn thương xương khớp, cột sống trên phim chụp để quyết định phương pháp điều trị y học cổ truyền phù hợp. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.