.

Những làng nghề vang tiếng một thời: Xóm lưới Sông Cầu

Cập nhật: 20:13, 25/07/2019 (GMT+7)

Nhiều năm qua, tiếng dệt lưới ở thôn Sông Cầu (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) vẫn xầm xập quen thuộc ngày đêm… Lưới Sông Cầu vẫn theo những chuyến xe đến với các vùng miền trong cả nước.

Bà Nguyễn Thị Bình (vợ ông Văn Thanh Tào) kiểm tra sợi cước trên máy tại xưởng dệt của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Bình (vợ ông Văn Thanh Tào) kiểm tra sợi cước trên máy tại xưởng dệt của gia đình.

Nghề dệt lưới ở thôn Sông Cầu hình thành từ năm 1979. Khi đó, ở vùng ven biển Thâm Khê (Quảng Trị) xảy ra nạn đói. Hàng chục hộ dân đã tìm vùng đất mới làm ăn và họ chọn Nghĩa Thành làm điểm dừng chân. Khi ấy, trong mỗi gia đình làm nghề, trẻ em giúp người lớn quay, suốt sợi; cánh đàn ông thì ngồi máy dệt; phụ nữ may và kết lưới. Nếp sinh hoạt của làng nghề này đã tiếp nối suốt mấy chục năm qua, và chính cái nghề truyền thống này đã đưa họ đi từ nghèo khó vươn lên cuộc sống đầy đủ, sung túc.

Theo chân cán bộ xã Nghĩa Thành chúng tôi đến nhà ông Văn Tiến Sao (tổ 13, thôn Sông Cầu) khi ông đang may nốt viền mẻ lưới vừa dệt xong. Thấy khách đến, ông Sao dừng máy tiếp chúng tôi và bắt đầu câu chuyện về xóm lưới Sông Cầu. Ông Văn Tiến Sao cho biết: “Những năm đầu vào lập nghiệp chưa có máy móc, tất cả công đoạn dệt lưới đều làm bằng tay từ dập chỉ, đan lưới, vào phao, may viền… Nghề làm lưới trông thì đơn giản vậy thôi nhưng đòi hỏi người thợ phải khéo léo và kiên nhẫn. Ai thiếu kiên nhẫn thì có làm lâu mấy cũng chẳng thể thành nghề. Tuy là nghề thủ công nhưng công việc dệt lưới cũng rất bài bản và có phân công lao động đâu ra đấy”, ông Văn Tiến Sao cho hay.

Đất không phụ người và nghề, lưới của người dân Sông Cầu dệt ra bán rất chạy, khách đến hỏi mua tấp nập. Ngày qua ngày, năm lại năm, thế là cái xóm Sông Cầu trở nên quen thuộc với mọi người với cái tên “xóm lưới”. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay, sản phẩm lưới Sông Cầu đã có mặt khắp nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh như Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận)...

Theo UBND xã Nghĩa Thành, xóm lưới Sông Cầu hiện có 29 hộ gia đình dệt và cung cấp các loại lưới phục vụ đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, lưới làm đăng, bao nhãn, trồng rau… Từ chỗ làm thủ công bằng tay, nay 100% hộ dệt lưới đều chuyển sang dệt máy. Nhờ cải tiến này mà năng suất lao động tăng lên 4-5 lần (tương đương từ 200-250m/máy/ngày), chất lượng lưới dệt ra đều và có đầu ra ổn định. Nhờ vậy nên cuộc sống người dân ngày càng khá giả, con em xóm lưới Sông Cầu đều được học hành đến nơi đến chốn, trong đó có hàng chục em đã trở thành kiến trúc sư, kỹ sư khoa học…

Bà Trần Thị Hòe, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành cho biết, nhằm giúp người dân bảo tồn, gìn giữ và ngày càng thúc đẩy làng nghề phát triển, hàng năm, địa phương đều hỗ trợ các cơ sở dệt lưới tham gia các hội chợ thương mại để quảng bá sản phẩm; mở các lớp đào tạo về vận hành, bảo dưỡng máy dệt cho lao động, nâng cao kiến thức kỹ thuật và tay nghề cho thợ. Đồng thời kiến nghị các sở, ngành có chính sách ưu đãi để các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, công nhận cụm làng nghề dệt lưới thôn Sông Cầu.

Nghề làm lưới Sông Cầu đã tồn tại 4 thập kỷ, uy tín đã “bén rễ sâu” vào khách hàng. Với người dân xóm lưới Sông Cầu, dù có thế nào cũng luôn cố gắng giữ lấy cái nghiệp đan lưới đã từng nuôi sống mình mấy chục năm nay.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.