Tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc
Sáng 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019.
Thủ tướng thăm hỏi các đồng chí thương binh nặng tới dự buổi gặp mặt. Ảnh: QUANG HIẾU |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 500 đại biểu thương binh nặng tới dự cuộc gặp mặt hôm nay là nhân chứng, là những tấm gương của tinh thần “người người ngoan cường, bất khuất, hiên ngang bước ra chiến trường vì độc lập, tự do, thống nhất của đất nước và cũng vì lẽ sống cao đẹp cho đồng bào mình”.
Các đồng chí đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, điều dưỡng thương tật, ổn định đời sống, đoàn kết giúp đỡ nhau, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.
Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng. Hằng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 138.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng trăm người bị địch bắt, tù đày, người nhiễm chất độc hóa học…
Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, phong trào đền ơn đáp nghĩa đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng, tặng trên 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng. Hơn 6.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
Cho biết đã có hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta chưa thể bằng lòng với kết quả đó, bởi hiện cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi. “Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta, cần được quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội”.
Với tinh thần trách nhiệm lớn lao vì nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục chăm lo chu đáo đến đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công. Cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng, của Nhà nước. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách.
Được biết, tỉnh BR-VT có 6 thương binh nặng là thương binh 1/4, có tỷ lệ thương tật từ 81% đến 85% được tuyên dương tại chương trình này. Bao gồm các ông: Nguyễn Viết Hưởng (SN 1962, TP.Bà Rịa); Đỗ Xuân Cường (SN 1949, TP.Vũng Tàu); Nguyễn Thế Minh (SN 1958, TP.Vũng Tàu); Lê Văn Cát (SN 1954, huyện Long Điền); Phí Quang Tuất (SN 1958, TX.Phú Mỹ); Phạm Văn Bình (SN 1952, huyện Xuyên Mộc).
* Nhân dịp này, Thủ tướng đã trao Bằng khen, tặng quà cho các thương binh nặng tiêu biểu.
ĐỨC TUÂN