.

Nói thật cũng… phiền

Cập nhật: 09:45, 26/07/2019 (GMT+7)

Vừa gặp mặt, chưa kịp hỏi han đôi câu, cô Khuyên - bạn tôi đã nhanh nhẩu: “Nè, cho tớ hỏi, những tính cách nào của người chồng khiến cô vợ ghét nhất?”. Tôi ngạc nhiên tợn, câu hỏi gì cũ rích, chẳng có “tầm vóc” chút nào mà cũng hỏi, rõ là cô bạn tôi ngớ ngẩn. 

Và cũng như nhiều người, tôi trả lời qua loa và bài bản “chuẩn cơm mẹ nấu”, đại khái, là ông chồng sáng say chiều xỉn, ngoại tình ba lăng nhăng, về nhà hoạnh họe, quát mắng vợ con nhưng ra đường thấy gái đẹp lại nhũn như con chi chi, quỵ lụy xum xoe nom phát ghét; là ông chồng vũ phu đứng trước mặt vợ những muốn “ăn tươi nuốt sống” bởi tưởng mình là võ sĩ đang trên võ đài; là ông chồng cờ bạc, lười biếng hoặc “việc nhà thì nhác việc cô bác thì siêng”…

Sau khi nghe tôi liệt kê “gạch đầu dòng”, Khuyên lại cười: “Những điều bồ vừa nói tưởng lớn nhưng lại nhỏ; và ngược lại. Còn biết thêm tính cách gì khác nữa không?”. Tôi chưa thể đoán ra. Lắc đầu chịu thua. Cô bảo: “Tớ ghét nhất là cái tính thật thà như đếm”. 

Khuyên liền kể lại tình huống vừa trải qua. Mới đây, vào dịp cuối tuần, cô “tháp tùng” theo chồng dự tiệc do bạn học cũ của chồng tổ chức. Bạn bè lâu ngày gặp mặt nên họ nói cười rôm rả. Thân tình lắm. Lúc nhà hàng dọn lên món gà hấp hành, dù chưa cầm đũa nhưng anh chồng vẫn tấm tắc khen ngon, rồi mở miệng oang oang: “Chà, đầu bếp nhà hàng có khác. Họ làm đâu ra đó, chỉ nhìn đã thấy ngon miệng rồi. Chả bù cho bà xã nhà tôi, cô ấy làm món này tớ nhai trệu trạo hàm răng cứ tưởng như đang... xơi gà đá!”. Nói xong, anh ta cười khì khì, thiên hạ cũng “đồng thanh hòa nhịp”, lúc đó, cô những muốn chui xuống đất! 

Có thật “tay nghề” làm bếp của Khuyên chỉ xoàng cỡ đó? Mà có thật đi nữa, liệu có cần thiết phải “thật thà khai báo” ở chỗ đông người, hơn nữa cô vợ chỉ là khách đi theo “chính chủ”. Nếu vì tự ái, cô ta cãi lại thì chẳng ra làm sao; nếu im lặng, trong bụng ấm ức lắm rồi mặt sưng mày xỉa là cái chắc.

Dù chồng hay vợ, nếu va phải tình huống ấy, lúc về đến nhà thể nào cũng cằn nhằn, cáu gắt. Tất nhiên, “nửa kia” phải một câu xin lỗi, hai câu xin lỗi, chớ hề dám tái phạm. Nhưng rồi, ngộ thay, lại có người “rút kinh nghiệm” một cách thật thà đến... phát ghét. 

Vẫn câu chuyện của Khuyên, rằng, sau cái đận thật thà đến cỡ “vạch áo cho người xem lưng”, chồng cô đã nghiêm túc “rút kinh nghiệm”. Bằng cách nào? Vào một dịp khác, lúc mọi người đang ăn uống vui vẻ, anh ta lại “góp vui” bằng cách hớn hở nhận xét: “Món vịt nấu chao này ngon thiệt, nhưng dám cam đoan, nếu bà xã tớ đây “ra tay” thì chắc chắn còn ngon hơn bội phần”. Nói xong, anh ta hãnh diện lại quay sang hỏi vợ: “Đúng không em?”.

Câu hỏi này, hóa ra vô duyên quá đi mất. Người ta nhọc công đã làm rồi mời mình ăn, chẳng khen một  tiếng cho phải đạo, lại so sánh nọ kia khác gì chê bai? Liệu có nên chăng? Tất nhiên là không rồi. Ai đời lại phát ngôn thiếu tế nhị đến thế? Nếu gật đầu, chứng tỏ mình thiếu khiêm tốn; nếu lắc đầu, chẳng phải ê mặt chồng? Rơi vào tình huống éo le cũng do cái tính thật thà quá đáng của chồng, cô sượng trân không khác gì ca sĩ biểu diễn trên sân khấu nhưng lại... quên lời hát! 

Thật ra, cũng có thể một khi khen/chê “một nửa” giữa thiên thanh bạch nhật, “người ta” chẳng có “ý đồ” gì đâu. Họ chỉ nói thật nhận xét, cảm nghĩ của mình, có điều cách nói thật đến độ thật thà quá hớp ấy lại gây ra hiệu ứng ngược, chẳng hay ho gì. Chi bằng, dù có nghĩ như vậy nhưng nếu im lặng vẫn tốt hơn.

Vâng, im lặng vẫn tốt hơn nhất là trong tình huống cỡ như Trịnh - bạn tôi đã trải qua. Như mọi người đã biết, hắn ta có thời gian xuất khẩu lao động ở Nga, chỉ võ vẽ dăm ba câu đối thoại đơn giản chứ không giỏi tiếng Nga. Lần nọ cả hai ăn uống ở một nhà hàng quen, họ chứng kiến cảnh nhân viên phục vụ đang ngắc ngứ trao đổi với khách Nga, đôi bên bất đồng ngôn ngữ. Thay vì ngồi yên, Hương lại nhanh nhẩu bảo họ hãy nhờ Trịnh làm phiên dịch. Sở dĩ “ôm rơm rặm bụng” cũng chỉ vì cô muốn khoe chồng “nói tiếng Nga như gió”. Do bị vợ đẩy vào tình huống không lường trước, không thể thoái thác, cuối cùng chuyện gì xảy ra? Ít ai biết rằng, tại sao sau đó, vợ chồng Trịnh không còn... lui tới nhà hàng đó nữa. 

Đành rằng, thật thà là tốt. Nhưng mọi lúc, mọi nơi vẫn cứ bô bô cái miệng, nói toẹt ra những điều đang nghĩ trong đầu, dù đúng dù sai nhưng biết đâu lại xảy ra những bất cập không đáng. Có những chuyện chỉ vợ/chồng biết với nhau là đủ, cần gì phải oang oang giữa chỗ đông người? Qua những trường hợp này, có lẽ nhiều người thầm nghĩ: “Nếu muốn, về nhà khen cũng chẳng gì muộn”.

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.