.
KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2019)

Đền ơn, đáp nghĩa là nét đẹp đạo lý và văn hóa

Cập nhật: 20:13, 25/07/2019 (GMT+7)

Trải qua 2 cuộc chiến tranh, BR-VT có hơn 36.000 người có công (NCC) với cách mạng. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân BR-VT luôn dành nhiều tình cảm, thể hiện trách nhiệm đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với nước. Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), trao đổi với PV báo BR-VT, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH  khẳng định:

- Bằng tình cảm, lòng biết ơn chân thành, những năm qua, BR-VT luôn ưu tiên, tạo điều kiện tối đa trong thực hiện các hoạt động sự tri ân công lao các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” từ đó đã lan tỏa rộng khắp, trở thành nét đẹp đạo lý và văn hóa của người dân BR-VT. 

Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và bà Lê Thị Trang Đài (bìa trái), Giám đốc Sở LĐTBXH thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Vỹ (KP. Phước Sơn, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ).
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và bà Lê Thị Trang Đài (bìa trái), Giám đốc Sở LĐTBXH thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Vỹ (KP. Phước Sơn, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ).

* Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, Ngành LĐTBXH đã làm gì để bảo đảm các chính sách được thực hiện tốt, thưa bà?

- BR-VT hiện có hơn 36.000 đối tượng chính sách, NCC, trong đó có hơn 7.000 người được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và các chính sách về hỗ trợ kinh tế-xã hội đối với NCC. Sở cũng đã phối hợp với UBND các địa phương trong tỉnh lựa chọn đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực, trách nhiệm, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ để làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho gia đình chính sách, NCC.

* Những việc làm ý nghĩa của các cấp, các ngành thời gian qua đã góp phần rất lớn thay đổi cuộc sống người có công. Theo bà, vai trò của địa phương thể hiện như thế nào trong công tác này?

- Trong những năm qua, ngoài thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, BR-VT đã huy động tốt các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ đời sống cho NCC. Có thể khẳng định, công tác chăm lo NCC ngày càng nhận được sự ủng hộ của đông đảo các từng lớp nhân dân, tổ chức xã hội, DN. Từ đó, tạo thêm nguồn lực để chăm lo tốt hơn đời sống NCC trên địa bàn tỉnh. 

Tính từ năm 1996 tới nay đã có gần 2.000 ngôi Nhà tình nghĩa được xây dựng, gần 4.000 căn nhà được sửa chữa với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; hàng năm có gần 3.000 người được tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình; hàng ngàn người được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế… Hiện nay, tất cả Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận nuôi dưỡng với số tiền từ 1-1,5 triệu đồng/tháng. Trong đó, Sở đã tham mưu và được tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/tháng đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng neo đơn. 

* Đến nay, mức sống của người có công cơ bản đã bằng với mức sống của người dân nơi cư trú. Đây là một trong những thành công lớn của BR-VT. Vậy trong thời gian tới, nhiệm vụ cần tập trung là gì thưa bà?

- Với việc thực hiện tốt chính sách chăm lo cho NCC như trên, đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh đều được công nhận làm tốt công tác chăm sóc NCC theo tiêu chí mà Bộ LĐTBXH đề ra. Tính đến nay, cơ bản, 100% gia đình chính sách, NCC đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú.

Tuy nhiên, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công với cách mạng là việc làm được duy trì thường xuyên, liên tục. Càng lan tỏa sâu rộng trong xã hội, càng mang đến những giá trị lớn. Do đó, thời gian tới, bên cạnh việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, Sở LĐTBXH sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của NCC. Phấn đấu duy trì thành quả đời sống NCC luôn bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú. Hiện nay, Sở đang tham mưu UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên đối tượng người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp một lần có độ tuổi từ 75 đến dưới 80 tuổi; đề xuất mức trợ cấp hệ số 1.0 so với mức chuẩn trợ cấp xã hội của tỉnh (tương đương mức 320.000 đồng/người/tháng) đối với người thuộc hộ nghèo; đề xuất mức trợ cấp hệ số 2.0 so với mức chuẩn trợ cấp xã hội của tỉnh (tương đương mức 640.000 đồng/người/tháng) và được hưởng BHYT mức 100% phí mua BHYT, thân nhân được hưởng mai táng phí khi đối tượng từ trần.

* Xin cảm ơn bà!

NHÃ UYÊN 

(Thực hiện)

Nhắn tin “Tri ân liệt sĩ”

Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ” từ ngày 25/6 đến hết ngày 22/8/2019. Hãy soạn TALS gửi 1405, mỗi tin nhắn ủng hộ 20.000 đồng là nghĩa cử “Đền ơn đáp nghĩa”.

 

 
.
.
.