Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc an toàn, nghiêm túc
Sáng 27-6, thí sinh (TS) dự thi bài Khoa học xã hội (KHXH), bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Ghi nhận tại các điểm thi cho thấy, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc.
TS trao đổi bài sau khi kết thúc bài thi KHXH tại điểm thi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu). Ảnh: HOÀNG HƯỜNG |
Kết thúc bài thi KHXH, phần lớn TS ra về với tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Nhiều TS cho rằng, đề thi 3 môn Lịch sử, Địa lý và GDCD đều vừa sức. Em Nguyễn Lê Thiên Ân (HS Trung tâm GDTX huyện Châu Đức) nói: “Em thấy bài thi KHXH “dễ thở” hơn nhiều so với bài KHTN. Với đề thi này, môn GDCD em dự kiến được khoảng 5 điểm, môn Lịch sử và Địa lý được khoảng 6-7 điểm”. Còn TS Huỳnh Diệp Danh, Trường THPT Vũng Tàu nhận xét, đề bài không đánh đố nhưng khá dài và vẫn có một số câu hỏi khó đòi hỏi TS không chỉ nắm chắc kiến thức mà phải biết vận dụng, liên hệ thực tế. Tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Côn Đảo), TS Nguyễn Thị Thùy Duyên chia sẻ: “Đề bài vừa sức nhưng vẫn có sự phân loại rất rõ ràng để phục vụ việc xét tuyển ĐH, CĐ”.
Cô Phan Thị Nhật Lệ, GV môn Sử, Trường THPT Vũng Tàu nhận xét, đề thi môn Sử tương đối dễ, bám sát đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Trong đó, có 30 câu ở mức cơ bản, 10 câu còn lại có tính chất phân loại trình độ HS. Với đề thi này, HS dễ đạt được từ 5-7 điểm, riêng HS học lực giỏi có thể đạt từ 8-9 điểm. Về đề thi môn Địa lý, cô Hà Thị Diệu Thúy, GV môn Địa lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đánh giá, đề thi có lượng kiến thức rải đều ở các chuyên đề của chương trình lớp 12 và một phần nhỏ của lớp 11 nên HS “học tủ” khó có thể làm hoàn chỉnh bài thi. Cũng theo cô Thúy, đề thi có sự phân hóa trình độ thí sinh khá cao, trong đó khoảng 40% câu hỏi khó và 60% câu hỏi ở mức cơ bản. Đề thi năm nay khá hay vì đề cập đến các vấn đề thực tế, một số câu hỏi dạng mở, có tính thời sự về biển đảo, tài nguyên khoáng sản. Những dạng câu này đòi hỏi HS phải có hiểu biết kiến thức thực tế thì mới giải quyết được vấn đề. Với đề thi môn Địa lý, HS trung bình có thể đạt được 5-6 điểm, HS khá giỏi đạt 7-9 điểm, nhưng đạt được điểm tuyệt đối thì vẫn là một thử thách.
Thí sinh và phụ huynh trao đổi bài sau khi kết thúc tổ hợp môn thi KHXH tại điểm thi Trường THPT Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: MINH NHÂN |
Riêng môn GDCD, thầy Nguyễn Nghĩa Cường, Tổ trưởng Tổ bộ môn GDCD, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Bà Rịa) đánh giá, đề thi có tính phân loại trình độ TS tương đối cao, có khoảng 50% câu hỏi ở mức cơ bản, ở dạng nhận diện kiến thức nên rất dễ lấy điểm; 50% câu hỏi còn lại là những câu tương đối khó, tập trung vào những câu tình huống, có tính vận dụng cao, đòi hỏi HS có tư duy tổng hợp mới giải quyết được. Với đề thi này, HS có học lực trung bình có thể đạt từ 5-6 điểm, học sinh khá, giỏi đạt từ 7-9 điểm, song điểm 10 sẽ rất hiếm.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, trong 3 ngày thi THPT Quốc gia năm 2018, có tổng số 11.710 TS dự thi, vắng 188 TS. Nhìn chung, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có cán bộ, TS vi phạm quy chế, không xảy ra tình trạng thiếu hoặc mất đề thi tại các điểm. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhiệt tình, góp phần làm nên thành công của kỳ thi năm nay.
NHÓM PV THỜI SỰ