.
KỶ NIỆM NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28-6:

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Cập nhật: 17:04, 27/06/2018 (GMT+7)

Sự sẻ chia là chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc. Đây là “bí quyết” chung của cả 3 gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh vừa tham gia Ngày hội gia đình khu vực Đông Nam bộ diễn ra tại TP.Vũng Tàu. Đó không chỉ là sự sẻ chia về tinh thần, mà còn là chung tay gánh vác việc nhà, kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái…

Gia đình anh chị Hoàng Đăng Chinh - Phạm Thị Anh Thư và các con (ở phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa) cùng nhau làm việc nhà.
Gia đình anh chị Hoàng Đăng Chinh - Phạm Thị Anh Thư và các con (ở phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa) cùng nhau làm việc nhà.

Nên duyên vợ chồng vào năm 2002, gia đình anh Nguyễn Tiến Hùng (SN 1978, GV Trường THCS Văn Lương) và chị Phạm Thị Hồng Mai (SN 1979, GV Trường THCS Nguyễn Trãi), hiện ở phường Long Tâm, TP.Bà Rịa, từng gặp không ít khó khăn về kinh tế. Trong suốt 5 năm đầu của cuộc hôn nhân, mái ấm sum họp của 2 vợ chồng anh chị sau mỗi giờ lên lớp là ngôi nhà cấp 4 đơn sơ. Để kinh tế gia đình bớt khó khăn, vợ chồng anh chị đã cần mẫn làm thêm nhiều nghề “tay trái” như: làm chả lụa, bán quán ăn, làm nhạc công, mở cửa hàng thời trang... Nhờ sự đồng lòng của cả 2 vợ chồng, kinh tế gia đình dần được cải thiện. Đến nay, anh chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi dạy 2 con khôn lớn. Chị Mai chia sẻ: “Trong các gia đình, vấn đề kinh tế luôn là nỗi lo thường trực. Trọng trách làm kinh tế không chỉ đặt trên vai của một người, mà phải đến từ sự đồng lòng của cả chồng và vợ. Cũng nhờ đó, những thăng trầm, vất vả trong cuộc sống gia đình vơi đi, hạnh phúc càng thêm đong đầy”.

Sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ cũng đã giúp gia đình chị Ngô Thị Hương Giang và anh Mai Ngọc Tuấn (cùng sinh năm 1979, trú tại phường 9, TP.Vũng Tàu) vững vàng hơn trong hành trình xây tổ ấm. Chị Giang chia sẻ, trong cuộc sống thường ngày, gia đình chị rất coi trọng những bữa cơm gia đình. Bởi đó là cơ hội để mọi người gặp gỡ, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương lẫn nhau. Không chỉ vậy, vợ chồng chị còn luôn chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Đối với con, anh chị luôn cố gắng trở thành “người bạn lớn” để lắng nghe những tâm tư của con. Chị Giang cho biết thêm: “Đôi khi, có những bất đồng, vợ chồng tôi thường ngồi lại trò chuyện thẳng thắn với nhau, để không xảy ra khúc mắc và cùng đi tới tiếng nói chung”. Bên cạnh đó, vợ chồng chị Giang cũng đặt cho mình nguyên tắc: “Trở về nhà là gác lại mọi lo toan công việc để toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình”.

Còn với gia đình anh Hoàng Đăng Chinh (SN 1980, công tác tại Đảng ủy phường Phước Nguyên) và chị Phạm Thị Anh Thư (SN 1983, GV Trường MN Họa My), hiện ở phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa thì xây dựng cuộc sống gia đình một cách khoa học. Hai anh chị đều công tác tại các cơ quan nhà nước nên ai nấy đều bận bịu, tất bật mỗi ngày. Anh chị đã có sự sắp xếp, phân công hợp lý để những hoạt động thường nhật trong gia đình không bị xáo trộn. Chị đi dạy cả ngày, có chiều về muộn thì anh đưa đón con, nấu nướng; anh bận công việc thì chị cân đối thời gian làm các công việc trong nhà; 2 con nhỏ cũng phụ ba, mẹ dọn dẹp nhà cửa, rửa chén… Sau bữa tối, cả gia đình lại cùng nhau trò chuyện, giải trí. Anh Hoàng Đăng Chinh chia sẻ: “Trong cuộc sống bộn bề, mỗi gia đình đều không tránh khỏi những lúc vợ chồng bất đồng xung đột. Những lúc như vậy, tôi thường chọn cách im lặng để qua cơn giận. Sau đó, khi cả 2 bình tĩnh thì vợ chồng cùng ngồi lại để bàn luận, thống nhất vấn đề, tìm ra hướng giải quyết chung”.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo- Wegood, việc giữ lửa cho hạnh phúc vợ chồng phải được xuất phát từ 2 phía. Gia đình, con cái… đều thuộc về cả hai vợ chồng. Hai người có trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau trong việc tạo ra hạnh phúc. Có nhiều cách để giữ lửa bền lâu cho hạnh phúc của một gia đình. Việc đầu tiên đương nhiên vẫn là san sẻ gánh nặng cuộc sống gia đình với nhau. Bên cạnh đó, hai vợ chồng cũng nên có khoảng thời gian riêng dành cho nhau để chia sẻ về niềm vui cũng như khó khăn trong ngày. Chẳng hạn như mỗi tối hãy dành 30 phút trước khi đi ngủ để lắng nghe tâm sự của vợ, để nghe những khó khăn trong công việc của người chồng… Điều đó sẽ giúp hai vợ chồng thấu hiểu nhau nhiều hơn. Người vợ hoặc chồng rất thích lắng nghe những tâm sự của bạn đời, bởi họ hiểu khi được nghe đồng nghĩa với việc họ được trân trọng và tin tưởng. Ngoài ra, hai vợ chồng có thể lên ý tưởng cho một chuyến đi chơi nào đó để thay đổi không khí, tạo cảm giác thoải mái, hoặc cùng nhau xem một bộ phim, nghe một bản nhạc mà cả hai cùng thích…

HOÀNG KHÁNH

.
.
.