Nhiều trở ngại với đề án "phổ cập" tiếng Anh ở Côn Đảo
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập Quốc tế, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành Đề án dạy và học tiếng Anh tại huyện Côn Đảo giai đoạn 2015-2018. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nên đến thời điểm này, Đề án chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Nhân viên Six senses Côn Đảo phục vụ bữa sáng cho du khách nước ngoài. Ảnh: TRÀ NGÂN |
NỖ LỰC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện Đề án dạy và học tiếng Anh tại huyện Côn Đảo, năm 2016, Công ty CP Đầu tư GD-ĐT Quốc tế Rồng Việt (TP. Hồ Chí Minh) được lựa chọn là đơn vị thực hiện. Công ty đã biên soạn tài liệu học tập cho học viên với tiêu chí đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân Côn Đảo. Về đội ngũ GV, công ty đã điều động 5 GV Việt Nam luân phiên và 1 trợ giảng người nước ngoài có đủ tiêu chuẩn bằng cấp và kinh nghiệm giảng dạy. UBND huyện Côn Đảo cũng đã chỉ đạo Trung tâm GDTXHN sử dụng phòng học trang bị máy chiếu, loa phục vụ cho công tác dạy và học.
Ngoài ra, UBND huyện Côn Đảo đã kiện toàn Ban Tổ chức thực hiện đề án để tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, khảo sát, lập danh sách học viên, tiếp nhận thông tin đăng ký của người học bằng nhiều hình thức: điện thoại, e-mail, Facebook, thông báo trên Đài phát thanh huyện và Văn phòng Trung tâm GDTX. Ngoài ra, Ban tổ chức còn treo băng rôn tuyên truyền, thông báo lịch khai giảng cụ thể từng đợt để người dân theo dõi và đăng ký. Tiểu ban giảng dạy xây dựng nội quy, quy chế lớp học, tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch tổ chức lớp. Trong quá trình triển khai, nhiều CLB tiếng Anh, nhiều hoạt động ngoại khóa đa dạng, hiệu quả đã ra đời. Đặc biệt, đối với các học viên nghỉ một số buổi học hoặc tiếp thu chậm, GV đã chủ động dạy thêm vào các giờ trống để học viên theo kịp.
Ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo đánh giá, bước đầu, Đề án nhận được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Sau 15 tháng, khi hoàn thành chương trình mức độ 1 và 2, người học đã có nhiều tiến bộ, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Các học viên tiếp thu tốt còn đề nghị tiếp tục theo học mức độ cao hơn.
KHÔNG ĐẠT MỤC TIÊU
Theo lộ trình, dự kiến giai đoạn 2015-2018, Đề án sẽ mở 96 lớp, đào tạo cho 1.920 học viên (gồm 640 CCVC và 1.280 người dân), với tổng kinh phí gần 5,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước chi hơn 4,5 tỷ đồng, còn lại do nguồn xã hội hóa bằng việc các học viên hành nghề tự do đóng 30% học phí, với số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trúc Thanh Tùng, đại diện Ban tổ chức thực hiện Đề án dạy và học tiếng Anh tại huyện Côn Đảo thì đến ngày 31-1-2018, Ban tổ chức lớp học mới hoàn thành giảng dạy 26 lớp. Như vậy, việc trển khai đề án chậm so với lộ trình. Nguyên nhân là do công tác đấu thầu chọn đơn vị thực hiện kéo dài nên dù đề án được phê duyệt từ tháng 9-2015 nhưng đến tháng 9-2016 mới được triển khai. Bên cạnh đó, nhu cầu học tiếng Anh của người dân chưa cao dẫn đến công tác chiêu sinh chậm trễ. Ông Tùng cho hay, ban đầu, số học viên đăng ký là 735 người nhưng chỉ có 464 người tham gia học tập. Đến cuối khóa, số lượng HV “rơi rụng” dần, chỉ còn 305 người. Sau đánh giá, số học viên đạt yêu cầu chỉ có 196 người, đạt tỷ lệ 64,3%. Đến thời điểm này, kinh phí đã thanh toán là hơn 1,3 tỷ đồng.
Ông Lê Trúc Thanh Tùng cho biết thêm, trong quá trình triển khai phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khiến đề án chưa đạt mục tiêu đề ra. Ông Tùng chỉ rõ, khó khăn bước đầu là ở công tác chiêu sinh. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ít quan tâm đến việc nâng cao khả năng ngoại ngữ cho nhân viên. Việc sắp xếp thời gian cho phù hợp với từng đối tượng học cũng là một bài toán khó. Điều này gây nên áp lực cho chính GV đứng lớp. Bởi họ phải giảng dạy các đối tượng thuộc nhiều nhóm, có trình độ, nhận thức khác nhau nên khó có thể theo sát từng học viên.
Về điều kiện thực hành, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng cao nhưng chủ yếu vẫn là khách trong nước nên học viên ít có cơ hội để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Bên cạnh đó, thời gian đào tạo 6 tháng là quá ngắn, chưa đủ để học viên có thể giao tiếp được.
ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH ĐỀ ÁN
Theo ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, theo Quyết định Ban hành Đề án dạy và học tiếng Anh tại huyện Côn Đảo giai đoạn 2015-2018 của UBND tỉnh, thì HS các trường TH, THCS, THPT, GDTX không phải là đối tượng thụ hưởng đề án. Tuy nhiên, qua các đợt khảo sát và chiêu sinh, Ban tổ chức đề án huyện đã tiếp nhận rất nhiều đơn đăng ký của các em. Ngày 5-3-2017, tại ngày hội tiếng Anh “Welcome day” do Ban Tổ chức đề án triển khai, có tới 60% người tham dự là HS. Điều này chứng tỏ các em đang rất quan tâm đến việc học tiếng Anh giao tiếp ngoài chương trình chính khóa. Hiện tại, huyện Côn Đảo cũng chưa có trung tâm ngoại ngữ để phục vụ nhu cầu học tập của các em. Vì những lý do trên, Ban Tổ chức Đề án đề xuất chuyển từ 60-90% nguồn kinh phí sang bồi dưỡng cho đối tượng HS theo hình thức thuê GV người nước ngoài đào tạo tăng cường kỹ năng giao tiếp trong nhà trường. Phần kinh phí còn lại được sử dụng để đào tạo cho các đối tượng thực sự có nhu cầu học tiếng Anh và tổ chức các hoạt động, mô hình học tiếng Anh trên địa bàn huyện Côn Đảo như chương trình học tiếng Anh trực tuyến, soạn thảo và ban hành sổ tay tự học tiếng Anh, thành lập và duy trì các CLB tiếng Anh...
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện đề án đến năm 2020. Đồng thời, Ban tổ chức đề án cần thực hiện phân loại đối tượng và có hình thức học tập khác nhau cho phù hợp mới mang lại hiệu quả. Ông Giang cho biết thêm, hiện nay, Sở GD-ĐT đang xem xét cấp phép cho 1 trung tâm ngoại ngữ tại địa phương nhằm hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh tại Côn Đảo.
Ngày 9-9-2015, UBND tỉnh ra Quyết định ban hành Đề án dạy và học tiếng Anh tại huyện Côn Đảo giai đoạn 2015-2018. Đối tượng thụ hưởng đề án là cán bộ, CC, VC đang làm việc trong các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang (miễn học phí 100%); người lao động tự do như tiểu thương, lái xe, kinh doanh dịch vụ du lịch, nhân dân các khu dân cư (miễn 70% học phí). Đề án dự kiến mở 96 lớp, đào tạo 1.920 HV, thời lượng 6 tháng/lớp. Nội dung giảng dạy mỗi lớp chia làm 2 giai đoạn: đào tạo căn bản về tiếng Anh cùng các chuyên đề về giao tiếp căn bản; củng cố đào tạo chuyên sâu một số lĩnh vực liên quan đến công việc của người dân, lồng ghép các nội dung giới thiệu về địa phương. |
KHÁNH CHI