Giá trị của văn học trong đời sống hiện đại
Trước sự lấn át của các ngành nghề: công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kinh tế, kỹ thuật, văn học nói riêng và các môn khoa học xã hội (KHXH) nói chung gần đây bị lép vế trong các kỳ tuyển sinh đại học. Học sinh ít chọn học khối C (Văn, Sử, Địa) ngay từ bậc học phổ thông. Phải chăng, giá trị của văn học ngày càng giảm?
Khoa Văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh liên hoan văn nghệ. |
Các chuyên gia chỉ ra 2 nguyên nhân của tình trạng trên: Thứ nhất, các ngành KHXH ngày càng kém thu hút được nhân lực vì tìm việc khó khăn, lương thấp. Thứ hai, việc giảng dạy các môn KHXH ở các cấp học hiện nay quá khô cứng, thiên về học thuộc lòng, không hấp dẫn học sinh. Ở bậc đại học, giáo trình của những môn học này thường nặng về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, xa rời thực tiễn, không tạo hứng thú, gợi mở sáng tạo cho sinh viên.
Điều này vô hình trung đã tạo nên cách nhìn lệch lạc của thế hệ trẻ đối với chuyên ngành KHXH, đặc biệt là với văn học. Chúng ta dễ dàng bắt gặp một bạn trẻ thời nay giỏi ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin nhưng khi yêu cầu viết một văn bản, một đoạn văn thì tỏ ra lúng túng khi sử dụng ngôn từ, cách hành văn và thậm chí là sai chính tả. Một số khác có thể biết rất nhiều thông tin về thời trang, hàng hiệu, các món ăn chơi, giải trí nhưng lại rất ngô nghê trước các tác phẩm, tác giả thuộc lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Phải chăng cuộc sống hiện đại gấp gáp, đề cao tính thực dụng, nhất thời đã tác động đến việc tiếp thu tri thức, cảm thụ cái đẹp, của thế hệ trẻ?
Từ khi cất tiếng khóc chào đời, mỗi chúng ta đã dần cảm nhận được âm thanh, ngôn ngữ, cảm xúc, những trạng thái của thiên nhiên và mối tương quan giữa con người với nhau, đó chính là khởi đầu của cảm nhận văn học. Trong đời sống tâm hồn của mỗi con người, trong từng số phận khác nhau, có biết bao điều bí ẩn, huyền diệu mà chỉ tư duy khoa học không chưa đủ, phải có trực giác nghệ thuật thì mới phát hiện được, mới cảm thụ được đầy đủ, phong phú. Văn học không phải chỉ cung cấp cho ta những kiến thức mà qua đó còn hướng người đọc tới nhận thức nhất định về thiên nhiên, con người, về văn hóa, lịch sử và từ đó lựa chọn mục đích sống, hình thành nhân cách nhất định: dám đứng về phía sự thật, cảm thông nỗi đau nhân tình, thế thái, thỏa mãn nhu cầu trái tim, nhu cầu tâm hồn của con người. Khi con người được giáo dục về nhận thức, mới ý thức được trách nhiệm của cá nhân trước bề dài lịch sử của dân tộc, của nhân loại.
Nhưng chỉ nói đến chức năng giáo dục đạo đức là chưa đủ, Văn học cũng như những ngành nghệ thuật khác, là một trong nhiều phương tiện hướng con người vươn tới cái đẹp. Cái đẹp của văn học là cái đẹp của ngôn ngữ, của hình tượng, của sự gợi mở không giới hạn. Do đó, văn học còn đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người. Cảm nhận cái đẹp - đó là sứ mệnh vĩnh cửu, bao trùm của văn học nghệ thuật. Ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện loại hình, là cách thể hiện. Bằng các sáng tác phong phú, đa dạng của mình, các nhà văn, nhà thơ tác động đến sự cảm thụ của người đọc, tạo nên mối giao thoa đa chiều, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo cho tất cả các lĩnh vực trong đời sống.
Một số người quan niệm văn học thuộc về “ốc đảo” riêng biệt của các nhà văn, nhà thơ. Thực ra, văn học nghệ thuật có mối tương quan mật thiết với mọi ngành nghề trong xã hội, ngay cả với những ngành tưởng như chẳng chút “dính líu” gì như cảnh sát, y khoa, đầu bếp… Bởi văn chương nghệ thuật trợ giúp cho việc mở rộng hơn biên độ sáng tạo, óc tư duy nhạy bén để xử lý mọi tình huống nhân văn hơn, gần gũi hơn ở những ngành nghề cần sự tỉ mỉ, chính xác, quyết đoán. Đại văn hào Nga M.Gorki nói: “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở khát vọng hướng tới chân lý”.
Một cuộc khảo sát về các ngành nghề có thể mang đến thành công trong sự nghiệp, thực hiện tại London (Anh) đã cho thấy rằng 44% trong số các các nhà lãnh đạo trên thế giới đã chọn học KHXH và 11% còn lại chọn học Nhân văn học. Mark Zuckerberg - người sáng lập nên mạng xã hội đình đám nhất hiện nay Facebook là một trong những học sinh ưu tú trong môn Văn học thời trung học.
Rất nhiều bạn trẻ còn phân vân khi lựa chọn văn học và các ngành KHXH bởi chưa hiểu rõ vai trò quan trọng của nhóm ngành này trong phát triển xã hội. Thực tế, cơ hội nghề nghiệp của ngành này khá rộng mở ở nhiều lĩnh vực: Quản lý nhà nước, truyền thông, giảng dạy, nghiên cứu, lưu trữ, ngoại giao, thông tin đại chúng… Hi vọng thời gian tới văn học sẽ có nhiều cơ hội để áp dụng vào thực tiễn đời sống, phát triển song hành cùng các ngành nghề khác trong xã hội hiện đại.
VŨ THANH HOA