.
SỔ TAY:

Một đề thi hay

Cập nhật: 15:21, 29/06/2018 (GMT+7)

Có thể nói không quá lời rằng, chưa bao giờ, một đề thi Văn, chính xác là  một câu nghị luận xã hội trong đề thi Văn được đem ra bàn tán nhiều như câu I của đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia ngày 25-6 vừa qua, với nội dung bàn luận về 1 đoạn trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực”. 

Giới văn chương chắc nhiều người biết đến nhà thơ Nguyễn Duy, không phải vì ông đã từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá về thơ mà về những trò “ngông” như: bày bán thơ trên rổ rá, nong, nia; in thơ trên tranh tre, nón lá và cả những phát ngôn gây sốc những khi “trà dư tửu hậu” của ông. Thế nhưng, như phần lớn những nhà thơ, nhà văn đang còn sống hiện nay, nhất là những nhà thơ có những bài thơ thế sự gai góc, thơ của ông vẫn không được nhiều người biết tới. Bài thơ “Đánh thức tiềm lực” ra đời từ những năm đầu tiên của thập niên 80, thế kỷ XX, là một trong những bài như vậy.

Khi đoạn trích bài thơ được đưa vào đề thi THPT Quốc gia 2018, trong số hàng triệu người tìm kiếm thông tin về bài thơ và tác giả, có không ít người đọc xong bài thơ đã phải giật mình, thậm chí nghẹn ngào khi nhớ lại một thời kỳ gian khó của đất nước. Khi ấy, nước ta vừa trải qua các cuộc chiến đau thương, bất ngờ và đơn độc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đói nghèo, lạc hậu đã khiến nhiều người, trong đó có nhà thơ Nguyễn Duy, luôn phải day dứt, trăn trở với những câu hỏi tại sao và làm thế nào để thoát nghèo. 

Bài thơ rất dài với hàng trăm câu dằn vặt, ưu tư, gai góc đến mức có thể coi là “phản động” đã khiến cho suốt mấy năm trời nó không được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 1984, bài thơ được đăng trên tạp chí Văn nghệ Đồng Nai. Đến thời kỳ đổi mới năm 1986, bài thơ được đăng trên báo Tuổi Trẻ và được đưa vào các tuyển tập thơ. Kỷ niệm 20 năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bài thơ đã được in lại trang trọng trên báo Tuổi trẻ số Xuân 2006.

Trong số hơn 900 ngàn thí sinh làm bài thi năm nay, hẳn nhiều thí sinh chưa từng nghe nói đến bài thơ. Tuy nhiên, điều đáng mừng là rất nhiều bạn dù “lệch tủ”, dù làm lạc đề, dù kêu đề khó vẫn hào hứng công nhận đề thi hay, gợi mở. Nhiều giáo viên văn cũng khẳng định các bạn trẻ nếu chịu đọc báo, nghe đài, quan tâm cập nhật thời sự có thể làm tốt bài vì chỉ cần đưa ra quan điểm và có những luận cứ bảo vệ quan điểm đó, không nhất thiết phải đồng quan điểm với tác giả, là đã có thể đạt điểm cao. Một bạn trẻ tâm sự trên facebook rằng, bạn thích đề thi môn Ngữ văn năm nay, vì nó thiết thực, gắn với thời cuộc khiến cho bạn cảm thấy như đang được thì thầm tâm sự với giáo viên chấm thi về những suy nghĩ, những ước mơ của mình về tương lai của cá nhân và đất nước.

Đã gần bốn mươi năm trôi qua, kể từ khi bài thơ ra đời, việc đánh thức tiềm lực tài nguyên thiên nhiên như bài thơ đề cập có thể đã không còn phù hợp với thực tiễn đất nước, nhưng việc đánh thức tiềm lực lớn nhất của một quốc gia: Tiềm lực con người thì vẫn luôn và mãi không bao giờ lạc hậu.

AN AN

 
.
.
.