.

Giảm nghèo theo chuẩn đa chiều - những vấn đề đặt ra - Bài 2: Từng bước tháo gỡ khó khăn

Cập nhật: 17:50, 26/04/2018 (GMT+7)

Để bảo đảm được yếu tố “bền vững” trong công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020, BR-VT đã đặt ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người nghèo về nhà ở, y tế, giáo dục, mô hình phát triển kinh tế đồng thời khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua.

506 HỘ NGHÈO ĐƯỢC HỖ TRỢ NHÀ Ở

Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám mắt cho người nghèo trên địa bàn xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu).
Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh khám mắt cho người nghèo trên địa bàn xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu).

Nhằm hỗ trợ hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở, bảo đảm người nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND (Kế hoạch 26) ngày 12-3-2018 về triển khai hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, trong 3 năm, có khoảng 506 hộ nghèo theo chuẩn quốc gia và nghèo chuẩn tỉnh (có độ tuổi từ 40 trở xuống) sẽ được hỗ trợ về nhà ở. Tổng nguồn vốn hỗ trợ chương trình xây nhà ở hơn 24,1 tỷ đồng, gồm nguồn vốn Trung ương 1,325 tỷ đồng và vốn địa phương hơn 22,8 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi gia đình được vay vốn xây dựng nhà ở từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh từ 15-25 triệu đồng/hộ (lãi suất 3%, thời hạn vay là 15 năm) và mỗi gia đình đóng góp 15 triệu đồng/căn. Riêng năm 2018, BR-VT dự kiến triển khai hỗ trợ về nhà ở cho khoảng 129 hộ (tỷ lệ 25,5%). Ngoài ra, để khắc phục khó khăn về đất xây nhà ở cho hộ nghèo, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát quỹ đất công, xem xét điều chỉnh, sử dụng để làm quỹ đất hỗ trợ cho người nghèo.

VẬN ĐỘNG ĐỂ TĂNG  QUỸ “KCB CHO NGƯỜI NGHÈO”

Đối với việc phát huy hiệu quả Quỹ KCB cho người nghèo tỉnh, theo bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế, cơ quan này đang tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ tài khoản Quỹ “KCB cho người nghèo tỉnh”, kế toán phụ trách để đăng ký chữ ký, làm thủ tục thanh quyết toán hỗ trợ cho bệnh nhân. Đồng thời, đề xuất Sở KH-ĐT phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh huy động sự đóng góp của các tổ chức kinh tế, xã hội, các cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ Quỹ KCB cho người nghèo tỉnh. Ngoài ra, Sở Y tế đang tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành liên quan hoàn thiện, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều khoản tại Quyết định 16. Cụ thể, các sở, ngành có ý kiến đề nghị bổ sung thêm các đối tượng thụ hưởng, gồm: Người thuộc hộ cận nghèo quốc gia, hộ cận nghèo chuẩn tỉnh, hộ thoát nghèo từ 1-3 năm, người vô gia cư hoặc không có thân nhân.

Còn về vấn đề HS bỏ học tại các địa phương, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, Sở LĐTBXH đã yêu cầu Ban Chỉ đạo giảm nghèo các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và các hội đoàn thể thường xuyên vận động, thuyết phục gia đình HS nghèo đã bỏ học quay lại trường; vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ chi phí học tập toàn diện cho các em, góp phần thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục đạt hiệu quả và thoát nghèo bền vững trong tương lai.

GIÚP HỘ NGHÈO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

Nhiều đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh chung tay góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện các chương trình giảm nghèo.  Trong ảnh: Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) tặng quà cho người nghèo thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ).  . Ảnh:
Nhiều đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh chung tay góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện các chương trình giảm nghèo tại địa phương. Trong ảnh: Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) tặng quà cho người nghèo thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ).

Theo đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016-2020, đến năm 2018, BR-VT phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh còn 5,06% so với tổng số hộ dân và đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% so với tổng số hộ dân, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Về nhà ở, đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 24,6m2/người; tỷ lệ người dân có nhà ở kiên cố là 80%, nhà bán kiên cố là 15%, nhà thiếu kiên cố là 5%, nhà đơn sơ là 0%. Về tiếp cận y tế, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 85%; người nghèo bệnh nặng được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh. Các trạm khuyến nông, khuyến ngư tại các huyện, thành phố sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho khoảng 2.000 hộ nghèo, hỗ trợ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho 500 hộ nghèo.

Đồng chí Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh cho biết, năm 2018, BR-VT phấn đấu giảm khoảng 700 hộ nghèo chuẩn quốc gia. Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các chính sách giảm nghèo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm và kết nối, huy động các nguồn lực phục vụ cho chương trình giảm nghèo…

“Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm các chính sách giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt mục tiêu đã đề ra đến năm 2020, trong thời gian tới, cần tăng cường thực hiện các nhiệm vụ như: nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo; nâng cao nhận thức, giúp người nghèo thay đổi hành vi, tự ý thức vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, cần triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, vận động các DN trong tỉnh hỗ trợ việc làm, nguồn lực hoặc bao tiêu sản phẩm tạo điều kiện giúp hộ nghèo phát triển sản xuất…”, đồng chí Đặng Minh Thông cho biết thêm.

Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN

Tiêu chí được hỗ trợ xây nhà theo Kế hoạch 26 của UBND tỉnh:

Là hộ nghèo chuẩn Quốc gia và hộ nghèo chuẩn tỉnh (chủ hộ từ 40 tuổi trở xuống), chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng cải thiện nhà ở; chưa được hỗ trợ nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà cho đồng bào dân tộc (chỉ thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với các gia đình đã có đất để làm nhà ở).

Đối với những hộ chưa có đất để làm nhà ở hoặc đất nằm trong khu vực thường xuyên bị thiên tai, sạt lở đất, không bảo đảm thì UBND các cấp bố trí đất ở phù hợp với quy hoạch cho các hộ đó trước khi thực hiện hỗ trợ nhà ở (tùy theo khả năng và điều kiện của địa phương). 


Mức hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo

Người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn được hỗ trợ tiền ăn là 3% mức lương cơ sở/người bệnh/ngày khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên; hỗ trợ tiền đi lại là 0,2 lít xăng/km tính theo quãng đường thực tế từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên.

Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí được hỗ trợ tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở/người bệnh/lần hỗ trợ và không quá 4 lần hỗ trợ/người bệnh/năm (Áp dụng với phần người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế của Nhà nước từ 1.000.000 đồng trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp không có bảo hiểm y tế).

(Theo Quyết định 16/2016/QĐ-UBND ngày 16-5-2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh)

 

.
.
.