Quỹ quốc gia về việc làm: Cấp vốn cho gần 9.500 dự án sản xuất, kinh doanh
Nhờ đồng vốn tín dụng từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nhiều gia đình đã mở rộng sản xuất, kinh doanh, tự tạo thêm nhiều việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống theo hướng bền vững.
Nhờ được vay 40 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm, chị Nguyễn Thị Mai Thảo (khu phố 2, phường 4, TP. Vũng Tàu) mở rộng cơ sở may mặc, có thu nhập ổn định hơn. |
Không có vốn làm ăn, trong nhiều năm, chị Nguyễn Thị Mai Thảo (khu phố 2, phường 4, TP. Vũng Tàu) chỉ nhận may gia công tại nhà cho một số khách hàng quen với thu nhập bấp bênh. Từ khi được hỗ trợ vay 40 triệu đồng (tháng 4-2017) từ chương trình vay vốn hỗ trợ việc làm, chị Thảo mở rộng mặt bằng trước nhà, mua thêm máy may, máy vắt sổ, bàn ủi, nhận may đồ tại nhà. Chị Thảo cho biết: “Trước đây, tôi tận dụng căn gác trống chỉ hơn 10m2 làm nơi may đồ nên ít người biết đến. Từ khi mở rộng mặt bằng hơn 20m2 trước nhà, khách đến đặt may đồ ngày càng nhiều. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng tôi có thu nhập hơn 4 triệu đồng, vào các dịp lễ, Tết cũng được 6-7 triệu đồng. Nhờ vậy hàng tháng, tôi còn gửi tiết kiệm được khoảng 500 ngàn đồng”.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Nam (ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) cũng được vay 40 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thông qua Hội Phụ nữ xã vào đầu tháng 9-2016. Từ số tiền được vay, chị Nam trích ra 27 triệu đồng mua 2 con bò về nuôi. Số tiền còn lại, vợ chồng chị mua một chiếc xe máy cũ, hàng ngày chở heo thuê cho các gia đình trong xóm. Sau 9 tháng, cặp bò sinh trưởng, phát triển tốt, chị Nam bán được giá 36 triệu đồng, tiếp tục mua 2 con bò mới về nuôi. “So với thu nhập 3-4 triệu đồng mỗi tháng từ việc làm thuê ở xưởng cá, hiện tại cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn. Sau khi trả hơn 200 ngàn đồng tiền lãi hàng tháng, tôi còn tiết kiệm được 100 ngàn đồng. Đến nay, gia đình tôi đã tiết kiệm được hơn 4 triệu đồng”, chị Nam chia sẻ.
Cũng như gia đình chị Nam, hàng ngàn gia đình khác trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Dưới sự giám sát và hướng dẫn của cán bộ ngân hàng cùng các tổ chức, đoàn thể, người vay đã sử dụng nguồn vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả. Theo ông Bùi Khắc Hùng, Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa, hiện nay tổ vay vốn của ấp có 55 hộ đăng ký, vay từ 15-40 triệu đồng/hộ. Thời gian qua, các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn, có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, nhằm giúp người lao động tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm chi phí, Ngân hàng đã xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức mạng lưới đến tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt là việc xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên các điểm giao dịch tại UBND các xã, phường. Đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và chính quyền các địa phương thành lập hàng ngàn tổ tiết kiệm và vay vốn ở các khu phố, thôn, ấp.
Ông Phạm Quang Việt, Trưởng Phòng Việc làm tiền lương, Sở LĐTBXH cho biết, hàng năm, Sở LĐTBXH đều phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra tình hình vay và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm tại huyện, thành phố. “Qua kiểm tra cho thấy, người dân đã dễ dàng tiếp cận, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả. Trong thời gian tới, đối với những hộ có điều kiện mở rộng sản xuất và chứng minh được nhu cầu vay, Sở LĐTBXH sẽ báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh bổ sung nguồn vốn vay”, ông Việt cho biết thêm.
Tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tính đến cuối năm 2017 là 473,537 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 116,81 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương là 356,727 tỷ đồng. Trong năm 2017, có 9.466 hộ vay vốn với số tiền 270,751 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN