.
KỶ NIỆM 43 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 – 30-4-2018)

Ký ức về chốn "địa ngục trần gian"

Cập nhật: 16:44, 25/04/2018 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng 43 năm qua ông Võ Văn Giáo (Cựu tù chính trị Côn Đảo, Chủ tịch Hội người tù kháng chiến) vẫn không kiềm được xúc động khi nhắc về những năm tháng hào hùng cùng đồng đội chiến đấu tại nhà tù Côn Đảo.

Ông Võ Văn Giáo (thứ 2 từ trái sang) vui mừng gặp lại đồng đội.
Ông Võ Văn Giáo (thứ 2 từ trái sang) vui mừng gặp lại đồng đội.

BIẾN ĐAU THƯƠNG THÀNH HÀNH ĐỘNG

Hơn một thế kỷ bị xâm lăng, nhân dân ta bền bỉ đấu tranh chống kẻ thù và đã hy sinh biết bao xương máu để có ngày thắng lợi cuối cùng, trong đó có một chiến trường ác liệt ngay trong lòng kẻ địch đó là nhà tù thực dân đế quốc. Ở đó, có một lực lượng tù binh, tù chính trị là những người hoạt động kháng chiến không may sa vào tay giặc và trải qua địa ngục trần gian mang tên nhà tù Côn Đảo - một trong 5 nhà tù lớn nhất miền Nam Việt Nam từ thời Ngô Đình Diệm, đến Nguyễn Văn Thiệu.

Sớm ảnh hưởng và giác ngộ lý tưởng cách mạng, năm 1965 ông Võ Văn Giáo tham gia hoạt động tại chiến trường Quảng Nam, là cán bộ tuyên giáo. Trong chuyến đi công tác năm Mậu Thân 1968, người chiến sĩ trẻ lọt vào phục kích của địch và bị bắt. Trước khi bị đày vào nhà tù Côn Đảo năm 1971, ông Giáo đã bị giải qua 3 nhà lao ở đất liền (nhà lao cấp quận, nhà lao cấp tỉnh Quảng Nam và nhà lao tỉnh Bình Định). Chúng xây dựng bộ máy ác ôn nhất, thực hiện những âm mưu thâm độc, dã man nhất để cai trị tù, nhằm tiêu diệt về thể xác và ý chí của người chiến sĩ cách mạng, tiêu diệt lý tưởng của người chiến sĩ cộng sản. “Chúng trói hai tay tôi lên cao, đặt tôi đứng lên một cái ghế, sau đó đá cái ghế cho người tôi thòng xuống và dùng gậy đập mạnh vào sườn”, ông Giáo nhớ lại. Đến bây giờ, ông vẫn còn mang trên người hàng trăm vết sẹo như một bằng chứng tố cáo sự tàn ác và khốc liệt của chiến tranh. 

Không thể nhớ hết những nhục hình, khổ hình mà số tù nhân bị giam cầm trong các chuồng cọp, chuồng bò, hầm đá. Họ bị chúng xiềng xích 2 chân, đánh đập, rải vôi, đục răng, đổ nước sôi vào miệng... Thấy người tù còn sức chịu đựng chúng đánh cho kiệt quệ, người nào ốm yếu, chúng đánh cho mau chết. Không khuất phục được thì chúng đánh cho tàn tật để mãn tù về cũng không còn sức làm được việc gì. Cảnh tù nhân chết chóc diễn ra liên miên. “Chính mắt tôi chứng kiến đồng đội mình, từng người từng người ra đi, lòng đau xót lắm. Nhưng trong tù khóc là nhục, rên là hèn. Mình không khóc trước mặt bọn địch nhưng đồng đội mình ra đi mình nhớ, mình khóc. Cũng chính vì vậy mà phải biến đau thương thành hành động. Quyết không khuất phục trước kẻ thù”, ông Giáo xúc động nói. 

NƯỚC MẮT NGÀY GIẢI PHÓNG

Biết bao tháng ngày “nếm mật nằm gai” trong lao tù, nhắc về giây phút nghe tin độc lập, người cựu tù Côn Đảo không nén được nước mắt: “Khuya 30-4-1975, lúc đang bị giam trong Chuồng Cọp, tôi nghe tin quân giải phóng đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Tôi với người đồng chí bị giam cùng mừng mà nước mắt chảy giàn giụa, miệng thì cười méo xẹo, không nói nên lời”. 

Ngày 1-5-1975 Côn Đảo giải phóng, ông Giáo và các đồng đội được trả tự do. Khi ra tù, ông tham gia vào lực lượng giải phóng và tiếp quản Côn Đảo. Sau 43 năm đất nước thống nhất, ông Giáo hiện là Chủ tịch Hội người tù kháng chiến tỉnh BR-VT, ông vẫn tiếp tục dành thời gian để quan tâm, chăm lo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các cựu tù. 

Với cương vị của mình, ông Giáo đã cùng các thành viên cốt cán của Hội quy tụ những người tù kháng chiến hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh để cùng sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Hiện Hội đã có 8 Hội huyện, thành phố trực thuộc với 74 Chi hội phường, xã, thị trấn, số hội viên còn sống là 1.016 đồng chí. Hội đã tích cực vận động các nhà hảo tâm để chăm lo cho hội viên, giúp đỡ những hội viên còn khó khăn và thăm hỏi khi ốm đau. Trong năm 2017, Hội đã vận động được 480 triệu đồng để chăm lo cho hội viên. Ngoài ra, Hội còn tổ chức thăm hỏi hội viên khi ốm đau, mừng thọ và các chuyến tham quan du lịch. 

Ngoài việc chăm lo cho đồng đội, ông Võ Văn Giáo còn thường xuyên nói chuyện truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thanh thiếu nhi và học sinh các trường trên địa bàn tỉnh. “Tôi sống giữa hai thời kỳ, nên trân quý nền độc lập tự do của dân tộc và hiểu rất rõ cái giá phải trả để có ngày hôm nay. Tôi còn sống là tôi còn nói, nói để con cháu sau này cảm nhận được sự hy sinh của cha anh thời trước mà cố gắng học tập. Ngoài ra, tôi luôn muốn nhắc nhở các cháu phải cẩn trọng trước những thông tin sai lệnh về lịch sử được lan truyền trên mạng xã hội, tránh gây ảnh hưởng đến tư tưởng và tình yêu quê hương đất nước”. 

Bài, ảnh: THANH THẢO

.
.
.