.

Giảm nghèo theo chuẩn đa chiều - Những vấn đề đặt ra - Bài 1: Nhiều chính sách hỗ trợ chưa đến với người nghèo

Cập nhật: 17:14, 25/04/2018 (GMT+7)

Mặc dù kết quả giảm nghèo của tỉnh trong năm 2017 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra (có 10.225 hộ thoát nghèo, đạt 119% kế hoạch), tuy nhiên hiện nay công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, những vướng mắc về tiêu chí nhà ở, tình trạng học sinh bỏ học, chính sách hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo vẫn còn là bài toán nan giải. 

KHÓ HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO NGƯỜI NGHÈO

Theo khảo sát của Sở LĐTBXH, năm 2017, diện tích nhà ở bình quân đầu người của tỉnh là 22,12m2/người, tỷ lệ người dân có nhà kiên cố chỉ chiếm 65%. Còn hàng trăm hộ nghèo không có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, không có khả năng cải thiện, xây mới. Chỉ tính riêng số hộ nghèo chuẩn quốc gia và hộ nghèo chuẩn tỉnh từ 40 tuổi trở xuống khó khăn về nhà ở là 506 hộ (chiếm tỷ lệ 8,52%). Song do những hộ này không có đất hoặc diện tích đất hiện có nằm trong quy hoạch nên không được xét hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết. 

Tại huyện Tân Thành, hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ số hộ nghèo có nhu cầu xây mới nhà ở do nhà ở hiện tại đã xuống cấp. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ đã có đến 145 căn nhà của hộ nghèo cần được sửa chữa. Theo báo cáo của UBND huyện Tân Thành, hiện nay huyện không còn quỹ đất công để hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo. 

Xã Châu Pha (huyện Tân Thành) hiện có 145 hộ nghèo, trong đó chỉ còn 3 hộ có nhu cầu xây mới nhà ở do không có nhà ở, nhà ở hiện tại đã xuống cấp hoặc xây tạm bợ, không bảo đảm an toàn. Trường hợp của bà Phạm Thị Mía (dân tộc Khơ me) ở thôn Suối Tre là một trong số đó. Chồng mất cách đây 10 năm, một mình bà Mía làm mướn lo cho 4 đứa con ăn học. Năm 2015, bà Mía mua lại mảnh đất 600m2 của một người hàng xóm với giá 47 triệu đồng. Là hộ nghèo chuẩn quốc gia, đầu năm 2017, bà Mía được địa phương xét duyệt hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, tuy nhiên do đất của bà là đất nông nghiệp, lại mua bán trên giấy tờ viết tay nên không thể xây nhà. 

Căn lều lụp xụp ở thôn Suối Tre, xã Châu Pha, huyện Tân Thành là nơi ở của bà Phạm Thị Mía (hộ nghèo chuẩn quốc gia) trong suốt 3 năm nay.  Ảnh: TƯỜNG NGÂN
Căn lều lụp xụp ở thôn Suối Tre, xã Châu Pha, huyện Tân Thành là nơi ở của bà Phạm Thị Mía (hộ nghèo chuẩn quốc gia) trong suốt 3 năm nay.

“Mặc dù nằm trong diện gia đình chính sách (chồng bà Mía tham gia kháng chiến chống Mỹ), là hộ dân tộc, hộ nghèo chuẩn quốc gia nhưng bà Mía vẫn không đủ điều kiện được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết do không có đất hợp pháp. Hiện tại, bà Mía ở tạm trong căn lều bằng tôn cũ, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Những khi mưa bão, địa phương phải cử cán bộ xuống tận nhà, đưa bà Mía lên trú tạm ở UBND xã để bảo đảm an toàn cho bà”, ông Thái Khắc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Pha cho biết. 

QUỸ KHÁM, CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO KÉM HIỆU QUẢ

Để tăng hỗ trợ cho người nghèo, ngoài chế độ theo quy định của nhà nước, UBND tỉnh có Quyết định 16/2016/QĐ-UBND (ngày 16-5-2016) ban hành quy định trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, một phần chi phí khám chữa bệnh). Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ khám, chữa bệnh (KCB) cho người nghèo do Sở Y tế quản lý và điều hành. Tuy nhiên, từ giữa năm 2016 đến nay, toàn tỉnh chưa có trường hợp người nghèo nào được hưởng chính sách hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh theo quyết định này. Nguyên nhân chính là do các đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ chưa triển khai kịp thời chính sách này.

Bà Trần Thị Kim Hồng (phường 10, TP. Vũng Tàu), hộ nghèo chuẩn quốc gia từ năm 2009 đến nay. Cả gia đình có 4 thành viên thì có đến 3 người mắc các bệnh hiểm nghèo, không có thu nhập ổn định. Ngoài tiền trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội hàng tháng 480 ngàn đồng của người con gái lớn, mọi sinh hoạt trong nhà đều trông chờ vào tiền lương hơn 3 triệu đồng của cô con gái út vừa tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Ông Dương Hoàng Nga (54 tuổi, chồng bà Hồng) bị mắc bệnh u bướu thần kinh từ nhỏ. Ngoài khối u lớn ở bụng, khắp người ông nổi đầy các mụn nhỏ nên không thể làm được việc nặng. Bản thân bà Hồng bị gai cột sống, viêm tai giữa, rối loạn tiền đình 6 năm nay nên chỉ ở nhà nội trợ. Con gái lớn của ông bà là Dương Thị Kim Hiền năm nay đã 28 tuổi bị xơ gan từ khi 8 tuổi, nay còn bị bệnh dãn tĩnh mạch thực quản, mỗi tháng phải bắt xe lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị 1 lần. Tuy nhiên, do chưa được hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo nên mọi chi phí ăn uống, đi lại điều trị của chị Hiền tại Bệnh viện Chợ Rẫy (khoảng gần 1 triệu đồng/lần khám) vẫn do gia đình tự túc.

Gia đình bà Trần Thị Kim Hồng (thứ 2 từ phải sang, phường 10,  TP. Vũng Tàu) là hộ nghèo chuẩn quốc gia, có 3 thành viên mắc bệnh hiểm nghèo nhưng chưa được hưởng chi phí khám, chữa bệnh từ Quỹ “Khám chữa bệnh cho người nghèo” tỉnh.
Gia đình bà Trần Thị Kim Hồng (thứ 2 từ phải sang, phường 10, TP. Vũng Tàu) là hộ nghèo chuẩn quốc gia, có 3 thành viên mắc bệnh hiểm nghèo nhưng chưa được hưởng chi phí khám, chữa bệnh từ Quỹ “Khám chữa bệnh cho người nghèo” tỉnh.

Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận, năm 2017, Sở Y tế nhận được 3 hồ sơ của người nghèo tại huyện Tân Thành, TP. Vũng Tàu và TP. Bà Rịa đề nghị hỗ trợ chi phí từ Quỹ KCB cho người nghèo với tổng số tiền hơn 11,7 triệu đồng. Tuy nhiên, do thủ tục thanh quyết toán còn vướng mắc (chưa có quyết định chủ tài khoản và kế toán phụ trách) nên chưa làm thủ tục hỗ trợ được cho bệnh nhân. Ngoài ra, có hơn 30 bệnh nhân (là người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí) đề nghị hỗ trợ chi phí KCB nhưng do không huy động được sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài nên cũng chưa được giải quyết. 

VẪN CÒN HS BỎ HỌC

Bên cạnh những khó khăn trong việc hỗ trợ nhà ở, chi phí KCB cho người nghèo thì tình trạng HS bỏ học cũng là một trong những thách thức của công tác giảm nghèo thời gian tới. Mặc dù các chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con hộ nghèo, cận nghèo đã được địa phương triển khai khá đồng bộ, kịp thời. Hàng năm, tỉnh đã chi hàng tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HS là con hộ nghèo. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở LĐTBXH, tỷ lệ HS bỏ học trên địa bàn tỉnh trong 2 năm học gần đây khá cao, trong đó, đa số là con hộ nghèo. Theo đó, trong năm học 2016-2017, 2017-2018, toàn tỉnh có 473 HS bỏ học, trong đó, tỷ lệ HS bỏ học ở TP. Vũng Tàu cao nhất 138 em. 

Ngoài ra, theo đánh giá của Sở LĐTBXH, chính sách hỗ trợ dạy nghề cho người nghèo chưa hiệu quả, chưa phù hợp với trình độ, hoàn cảnh của hộ nghèo dẫn đến tỷ lệ tham gia học nghề còn thấp. Nội dung dạy nghề chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do Sở NN-PTNT thực hiện trong năm 2017 chưa triển khai được do thông tư hướng dẫn của Bộ NN-PTNT ban hành chậm (cuối tháng 11-2017). 

Để giải quyết được những vướng mắc nêu trên nhằm phát huy hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành trong công tác rà soát hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở, y tế, giáo dục... Đồng thời, các sở, ngành cần chủ động tham mưu, đề xuất mức hỗ trợ cho người nghèo tham gia các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhanh chóng triển khai các dự án hiệu quả. 

Năm 2017, toàn tỉnh có 10.852 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo được vay vốn ưu đãi với mức vay bình quân từ 25-35 triệu đồng/hộ (có 295 hộ vay mức tối đa theo quy định là 50 triệu đồng/hộ); 363 căn nhà Đại đoàn kết được xây mới, sửa chữa cho người nghèo; 134.940 thẻ BHYT được cấp cho người nghèo, người thoát nghèo; 30.941 HS con hộ nghèo được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập với tổng số tiền hơn 7,3 tỷ đồng... 

Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN

.
.
.