.

Tháng Giêng đi ăn chay

Cập nhật: 10:58, 09/03/2018 (GMT+7)

Tháng Giêng, tháng khởi đầu của năm mới, cùng với việc hành hương, lễ chùa cầu mong những điều tốt lành, nhiều người cũng tìm đến thực phẩm chay để tâm thanh tịnh, tẩy độc cơ thể và cải thiện sức khỏe. Các quán ăn chay do đó cũng đông khách hơn. 

Chị Võ Thị Thúy Anh chọn món ăn chay tại quán Chánh Giác.
Chị Võ Thị Thúy Anh chọn món ăn chay tại quán Chánh Giác.

Tối Rằm tháng Giêng, gia đình chị Võ Thị Thúy Anh (86, Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP.Vũng Tàu) chọn quán chay Chánh Giác (9A, Nguyễn Kim, phường 4, TP.Vũng Tàu) để dùng bữa. Chị Thúy Anh ăn chay được 4 năm nay, mỗi tháng khoảng 20 ngày. Chị thường mua thực phẩm về tự chế biến. “Ăn chay, tôi thấy tâm bình an, bao ưu phiền tan hết, niềm vui đến nhiều hơn. Tháng Giêng năm nay, tôi ăn chay suốt tháng và cầu mong một năm may mắn, tốt đẹp, mọi việc thuận lợi, hanh thông”, chị Thúy Anh chia sẻ. 

Ăn chay theo quan niệm của tôn giáo là ăn những món thanh tịnh, nhẹ nhàng, có nguồn gốc từ thực vật để có sức khỏe bền bỉ, trí não được cân bằng, sáng suốt. Trước đây, việc ăn chay phổ biến trong những người theo đạo Phật hoặc đạo Cao đài. Những năm gần đây, vấn đề VSATTP khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại nên chọn món chay như một giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Ngoài ra, nhiều người tìm đến với thực phẩm chay vì ưu điểm dễ tiêu, giúp đẹp da, giữ dáng. “Trước đây tôi vẫn ăn nhiều chất đạm và chất béo. Sau khi được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn, từ 3 tháng nay tôi đã lên lịch ăn uống và thực đơn phù hợp cho mình. Hiện tại, mỗi tuần tôi ăn chay 3 bữa để tẩy độc cơ thể và thấy có tác dụng rõ rệt: mỡ thừa giảm dần, cơ thể nhẹ nhàng, linh hoạt hơn. Sang tháng sau, tôi sẽ nâng lên 4 bữa chay/tuần”, chị Xuân Lý (28, Độc Lập, thôn Ngọc Hà, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) chia sẻ. 

Ông Trần Ngọc Thu, chủ quán chay Chánh Giác, cho biết, quán mở cửa đã được 4 năm. Theo ông Thu, ngày càng có nhiều người ăn chay hơn. Bình thường, mỗi ngày quán của ông phục vụ khoảng 150 khách cả 3 bữa sáng, trưa và tối. Riêng tháng Giêng, lượng khách đến quán đông hơn, ông phải kê thêm bàn ghế, tăng thêm lượng thức ăn gấp 3 lần ngày thường mà vẫn không đủ để phục vụ. “Rằm tháng Giêng vừa rồi vào buổi trưa, nhiều người đến muộn, hết chỗ nên phải chờ các nhóm khách khác ăn xong mới có chỗ ngồi hoặc phải mua thức ăn mang về. Ẩm thực chay dần trở thành một bộ phận không thể thiếu trong nền ẩm thực Việt Nam nói chung và còn trở thành nét văn hóa đẹp, hướng đến sự tinh tế trong cách thưởng thức ẩm thực”, ông Thu nói. 

Theo tìm hiểu, các món ăn tại các quán chay được chế biến bằng nguyên liệu thiên nhiên, từ các loại rau, củ, quả. Các món dùng nước như bún, phở, nước lèo được ninh bằng các nguyên liệu: củ cải trắng, củ mì, củ đậu, cà rốt, su su, nấm rơm, sâm... nên có vị ngọt, thanh, dễ ăn, không có vị béo ngấy. Để tạo sự hấp dẫn, cảm giác ngon miệng với thực khách, các món chay cũng được chế biến theo dạng mô phỏng như các món mặn. Hầu hết quán chay hiện nay đều tổ chức theo dạng buffet (tự chọn thức ăn) để thực khách tự lấy món ăn hợp khẩu vị với khẩu phần vừa ăn, tránh dư thừa, lãng phí. 

Gần đây, một số nhà hàng, cơ sở tôn giáo còn tổ chức tiệc buffet chay, tạo cơ hội cho những người thích hoặc muốn ăn chay gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ về ích lợi của việc ăn chay, kết hợp các hoạt động trao quà cho người nghèo, gây quỹ từ thiện xã hội... thu hút sự hưởng ứng của nhiều người dân và nâng ý nghĩa nhân văn cho hoạt động ăn chay. 

Bài, ảnh: ĐAN CHÂU

.
.
.