.

Phấn đấu bằng… vợ, tại sao không?

Cập nhật: 10:56, 09/03/2018 (GMT+7)

Xưa nay, một khi đã giành lấy “quyền lực” là “trụ cột”, “cây tùng cây bách” trong gia đình, không ai khác, đàn ông đã đặt ra nhiều luật lệ vô lý nhằm hạ thấp vài trò của người phụ nữ.

Bình đẳng giới bắt đầu bằng việc người chồng chia sẻ việc nhà với vợ. Ảnh minh họa: INTERNET
Bình đẳng giới bắt đầu bằng việc người chồng chia sẻ việc nhà với vợ. Ảnh minh họa: INTERNET

Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy dấu vết áp chế phụ nữ thông qua ca dao, tục ngữ như: Đàn bà đái không qua ngọn cỏ, Phụ nhân nan hóa… Rồi, họ còn bị loại ra khỏi việc quốc sự: Thành đồ đã có chúa xây/Can gì gái góa lo ngày lo đêm? v.v... Nói cách khác, bằng mọi cách, từ sức mạnh cả vũ lực hiểu theo nghĩa đen đến tuyên truyền chữ nghĩa, người đàn ông đã loại đàn bà ra khỏi “cuộc chơi”, xếp họ vào hạng lép vế, không cho ngóc đầu lên trong chế độ phụ hệ.

Thời phong kiến, sau khi lấy chồng, người phụ nữ không còn có cơ hội tiến thân nữa. “Đi đâu cho thiếp đi cùng/Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”. Họ hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, sự “ban phát” của người đàn ông. May mắn, người chồng biết lo gia đình thì được nhờ, còn không, cắn răng mà chịu. Tất tật mọi thứ phải ngửa tay nhận đồng tiền từ chồng nên hầu như họ không có quyền hành gì đáng kể. Vị trí “sáng giá” nhất của họ chỉ là trong bếp. Nếu có ra ngoài, cũng chỉ từ nhà đến chợ. Do đó, làm sao họ có điều kiện tham gia, bàn bạc, thảo luận các vấn đề xã hội khi tầm nhìn quanh quẩn trong bốn bức tường?

Theo thời gian, quan niệm lỗi thời này đã thay đổi.

Cuộc đấu tranh bền bỉ về vấn đề nữ quyền, dù ở bất kỳ thời đại nào cũng là vấn đề thời sự. Thực hiện nữ quyền là giành lại vị trí như đàn ông đang chiếm lĩnh? Không, phải là một sự thay đổi chuyển hướng từ trong nhận thức lỗi thời của đàn ông. Chẳng hạn, tại sao lại là “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” đổ riệt lên đầu người đàn bà, thế thì vai trò của người chồng, người cha ở đâu? “Cây độc không trái, gái độc không con”, sao lại không nghĩ đến lỗi của người đàn ông?

Thời buổi này, hôn nhân không phải thời điểm thủ tiêu ước mơ “vượt lên chính mình” của người phụ nữ lúc làm vợ, làm mẹ. Mà lúc đó họ bắt đầu có điều kiện khẳng định vai trò của mình trong bình đẳng giới. Họ không chỉ hoàn thành việc nhà, thiên chức duy trì nòi giống mà còn có quyền khẳng định tài năng, thực hiện khát vọng như mọi người đàn ông. Không chỉ đóng vai trò “hậu phương” mà họ còn là “đôi bạn cùng tiến” cùng chồng ngoài xã hội.

Thực tế đã cho thấy, nhiều người phụ nữ không chỉ giỏi giang việc nhà, mà còn “dọc ngang tung hoành” ngoài xã hội, làm sếp lớn nắm trong tay biết bao “quân”, trong đó có không ít “đấng mày râu”. Đã thế, do có học thức, hiểu luật pháp, tạo được nhiều mối quan hệ rộng rãi nên họ còn được nhiều đàn ông tin cậy hỏi ý kiến khi cần tham khảo, tư vấn một vấn đề nào đó. Tóm lại, họ đã “chen vai sát cánh” giữ vị trí không kém bất kỳ đàn ông nào. Trên bước đường khẳng định vai trò tích cực ấy, tiếc thay dư luận xã hội không hẳn đã đồng tình, biểu dương họ.

“Cưới vợ giỏi quá cũng chẳng hay ho gì”. Ô hay! Nghe lạ tai quá. Thế mà có đấy! Nhiều người đàn ông đã thốt lên não nùng như thời bao cấp mất sổ gạo. Anh bạn tôi có cô vợ năng nổ, tháo vát, có bằng cấp nên đứng ra đảm đương chức vụ giám đốc một công ty lớn. Trong những cuộc chiêu đãi, ký kết hợp đồng, anh chồng cũng đi theo nhưng sự xuất hiện ấy mờ nhạt. Đối tác không quan tâm đến, bởi anh không hiểu biết gì về chuyên môn, thậm chí ngoại ngữ một chữ bẻ đôi cũng không. Thời gian đầu, anh chồng còn đi theo với mục đích có thể “nâng ly” đỡ vợ; còn là “canh me” tay nào léng phéng “xáp lại gần” nhưng riết thấy mình thừa thãi nên đành chịu trận ở nhà.

Rồi đàn ông cũng còn kỳ cục ở chỗ: thấy vợ làm ra tiền nhiều hơn, giỏi giang hơn lẽ ra phải vui mừng thì nhiều người chồng đâm ra mặc cảm “ăn bám vợ”. Những chuyện tréo ngoe này khá phổ biến. Do đó, những người phụ nữ tinh tế, dù làm ra tiền nhiều hơn, tài năng hơn và gánh vác mọi việc trong nhà nhưng lúc nào cũng thỏ thẻ bên chồng: “Ru đời đi nhé/Cho ta nương nhờ lúc thở than” - dù “cây tùng, cây bách” ấy dựa dẫm vào mình từ lâu lắm rồi.

Cách xử thế ấy tự nguyện, họ không hề đóng kịch bởi cái đích “trong ấm ngoài êm” vẫn là mục tiêu quan trọng nhất. Trong những tình huống này, có người đàn ông khôn ngoan, thức thời tự nâng mình lên bằng cách tranh thủ thời gian học tập, trau dồi chuyên môn để có cơ hội tiến thân “cạnh tranh” với vợ.

Bên cạnh đó, cũng có những người chồng thẳng thắn, dám thừa nhận vợ giỏi hơn mình, xứng đáng giữ vai trò “trụ cột” bởi việc gì phải “ganh tỵ” với vợ? Cách xử lý này không hề khiến người đàn ông “mất giá”, “lép vế”, “dưới cơ” mà thừa nhận sự phân công hợp lý ấy trong tổ ấm. Sự thừa nhận ấy chính là yếu tố cần thiết vun đắp hạnh phúc.

Cách ứng xử ấy, chính là người đàn ông khôn ngoan và có bản lĩnh.

 LÊ MINH QUỐC

 

.
.
.