.

Chủ động phòng ngừa bệnh lao

Cập nhật: 18:51, 08/03/2018 (GMT+7)

Bệnh lao là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới ở người trưởng thành, ước tính có 1,5 triệu ca tử vong mỗi năm. Sự nguy hiểm của bệnh lao đòi hỏi mọi người cần hiểu biết rõ về căn bệnh từng được coi là “tứ chứng nan y” này để chủ động phòng tránh.

BỆNH LAO LÀ GÌ?

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi trùng lao trong đờm. Đường lây truyền chủ yếu là qua hô hấp. Người bị lây do hít phải những hạt nước bọt nhỏ li ti có chứa vi trùng lao của những người bị lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi nói chuyện.

Người bị lao phổi có ho khạc ra vi trùng lao, sau 1 năm có thể làm cho 10-15 người bị nhiễm lao và 10% số nhiễm đó có thể trở thành bệnh lao. 

TÌNH HÌNH BỆNH LAO Ở VIỆT NAM VÀ BR-VT

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng về bệnh lao, đứng thứ 12 trong 22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất toàn cầu và đứng thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 190.000 người hiện mắc lao, khoảng 5.000 người mắc lao đa kháng thuốc và gần 20.000 người chết vì bệnh lao (nghĩa là cứ 26 phút lại có 1 người tử vong do bệnh lao).

Theo Bệnh viện phổi Phạm Hữu Chí tỉnh BR-VT mỗi năm phát hiện mới khoảng 1.500 bệnh nhân lao. Tuy vậy, theo các nhà chuyên môn, số người mắc lao mà chưa được phát hiện, quản lý đang ngoài cộng đồng còn lớn, là nguồn lây nhiễm lao nguy hiểm cho cộng đồng.

Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại khoa khám lao, Bệnh viện phổi Phạm Hữu Chí.
Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại khoa khám lao, Bệnh viện phổi Phạm Hữu Chí. 

Bệnh lao trước đây được coi là “tứ chứng nan y”, mọi người hoặc là quá lo sợ, giấu bệnh, hoặc là bỏ mặc không chữa trị, dẫn đến tình trạng bệnh lao lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, gây hậu quả xấu đến sức khỏe cộng đồng. 

Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã quyết định lấy ngày 24-3 hàng năm là ngày Thế giới chống lao, với mục đích kêu gọi các cấp lãnh đạo cũng như mọi người dân nỗ lực bằng mọi nguồn lực có thể, với những hành động thiết thực nhất nhằm giảm dần tỷ lệ người dân bị mắc bệnh lao, từng bước phấn đấu tiến tới thanh toán bệnh lao. Một trong những giải pháp quan trọng là chủ động phòng lây nhiễm lao và cộng đồng không nên kỳ thị, xa lánh người bệnh lao, qua đó động viên họ không giấu bệnh, đi khám, điều trị kịp thời, tránh lây lan cho cộng đồng.

BỆNH LAO CÓ NHỮNG BIỂU HIỆN GÌ VÀ ĐIỀU TRỊ Ở ĐÂU?

Những người bị mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: 

Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu) là biểu hiện nghi bị bệnh lao quan trọng nhất; Người bệnh gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, có sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, kèm theo có đau ngực, đôi khi khó thở.

Khi có các biểu hiện như trên, người bệnh cần đến ngay các trạm y tế, các trung tâm y tế huyện, thành phố khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu bị mắc lao sẽ được điều trị theo chỉ dẫn và giám sát chặt chẽ của thầy thuốc. Thuốc chữa lao hoàn toàn miễn phí. Tuyệt đối người dân không tự ý dùng thuốc, hoặc chữa thuốc Nam, hoặc chữa trị tại phòng mạch tư.

MỌI NGƯỜI LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG CHỐNG  BỆNH LAO?

Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, hiện nay tất cả trẻ sơ sinh đều được chích vắc-xin BCG theo chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Khi có những biểu hiện ho khạc trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi thì nên tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Khi bị bệnh lao người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ càng sớm càng tốt theo nguyên tắc: Đúng -  Đủ - Đều (Đúng phác đồ; Đủ thuốc, Đủ thời gian; Đều đặn hàng ngày) để mau khỏi bệnh, tránh lây lan cho những người trong gia đình và những người xung quanh, tránh gây kháng thuốc.

Mọi người nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; ăn uống dinh dưỡng hợp lý; thường xuyên luyện tập để tăng cường sức khỏe. Những người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, người nhiễm HIV... rất dễ bị bệnh lao, do đó phải thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lao. Người bệnh ăn chén đũa riêng; chú ý đeo khẩu trang phòng lây lan bệnh; ho khạc, xử lý đàm theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Người nhà cần chú ý đeo khẩu trang khi tiếp xúc, chủ động các biện pháp phòng ngừa. 

Đặc biệt, cộng đồng không nên kỳ thị, xa lánh người bệnh lao, vì không may mắc bệnh lao cũng như không may mắc các bệnh truyền nhiễm khác, cần được chia sẻ, quan tâm. Hơn nữa, chúng ta càng kỳ thị, xa lánh người bệnh thì họ càng tự ti, giấu bệnh và sẽ mang vi trùng lao lây lan khắp nơi – Nguy hiểm vô cùng!

Vì sức khỏe của bản thân, của gia đình và của cộng đồng, hướng tới mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao” vào năm 2030, các cấp, các ngành, mọi người, mọi nhà hãy tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh lao.

Bác sĩ NGUYỄN VĂN LÊN

.
.
.