Tăng tốc ôn thi THPT Quốc gia
Năm 2018, nội dung thi THPT Quốc gia ngoài chương trình lớp 12 còn có thêm chương trình lớp 11, do đó đề thi sẽ rộng hơn so với các năm trước. Trước tình hình đó, đến thời điểm này, các nhà trường cũng như HS khối 12 đã tăng tốc ôn tập để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm nay.
THI THỬ ĐỂ TẬP DƯỢT
Đầu tháng 2 vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức thi thử kỳ thi THPT Quốc gia lần 1 cho HS khối 12 các trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh. Tuy chưa đủ sức đánh giá toàn diện chất lượng giáo dục đối với HS khối 12 nhưng qua kỳ thi, các trường và HS đã có căn cứ để điều chỉnh phương án ôn tập.
HS lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học. |
HS lớp 12A1 Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) trong tiết học tiếng Anh. |
Kết quả thi thử lần 1 của Sở GD-ĐT cho thấy, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của các trường từ 80-100%. Một số môn thi có điểm cao như GDCD, Địa lý..., nhưng cũng còn nhiều môn điểm thấp: Sinh học, tiếng Anh, Toán... Chẳng hạn, tại Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa), năm học này, toàn trường có 369 HS lớp 12 với tổng số 11 lớp, trong đó, có 9 lớp KHTN và 2 lớp KHXH. Qua thi thử, chỉ có 1 HS đạt điểm giỏi, còn lại 363 HS đạt từ 3,5 đến dưới 8 điểm, 5 HS dưới 3,5 điểm. Một số môn như Ngữ Văn, GDCD, Sinh học, số lượng HS đạt điểm giỏi rất hạn chế, chỉ từ 3-7 em, môn Lịch sử không có HS đạt điểm giỏi. Còn tại Trường THPT Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) có 369 HS với 3 lớp KHTN và 5 lớp KHXH. Theo kết quả thi thử, 5 HS có môn thi bị điểm liệt. Các môn Toán, tiếng Anh, Sinh học kết quả không cao...
Từ kết quả thi thử, các trường có thêm căn cứ để đánh giá chất lượng và điều chỉnh hướng ôn tập. Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho biết: Sau khi có kết quả thi thử, nhà trường đã thống kê điểm thi để có cơ sở phân loại, đánh giá HS và phân công GV hỗ trợ các môn thi mà HS có điểm thấp. Hơn nữa, từ kết quả thi thử, GV các bộ môn có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy, ôn tập.
HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) thảo luận sau buổi thi thử THPT Quốc gia lần 1 do Sở GD-ĐT tổ chức. |
TĂNG TỐC ÔN THI
Theo ghi nhận, hiện nay, hầu hết các nhà trường đều ôn thi sớm để bảo đảm chất lượng ôn tập. Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành cho biết, đến thời điểm này, ngoài chương trình chính khóa, nhà trường tổ chức cho HS lớp 12 ôn tập vào tất cả các buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, thời lượng từ 2-4 tiết/tuần tùy môn. Những môn mà HS lựa chọn để xét tuyển ĐH được chú trọng ôn tập với thời lượng 4 tiết/tuần, các môn còn lại ôn 2-3 tiết/tuần. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức dạy miễn phí 3 môn: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, mỗi môn 2 tiết/tuần, truy bài từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ buổi sáng cho những HS yếu. Song song với việc ôn chương trình lớp 12, các tổ bộ môn đã chọn lọc một số chủ đề trọng tâm trong chương trình lớp 11 để ôn tập kỹ càng hơn cho các em. Thời điểm này, các tổ bộ môn cũng khẩn trương hoàn thiện chương trình ôn tập cho sát với đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT.
Theo cô Võ Hồng Lê Uyên, tổ trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Trường THPT Châu Thành, để tăng tốc ôn tập cho HS, GV bộ môn đã tăng cường kỹ năng làm bài trắc nghiệm cho các em dựa trên chuẩn kiến thức chương trình SGK. Giai đoạn từ đầu tháng 3 đến hết học kỳ 2, HS lớp 12 sẽ ôn tập theo chủ đề, kết hợp giải đề trắc nghiệm. Những lớp lựa chọn môn tiếng Anh để xét tuyển ĐH ngoài 3 tiết theo phân phối chương trình còn có thêm 1 tiết tự chọn để ôn kiến thức nâng cao và kiến thức lớp 11 để chinh phục những câu vận dụng cao.
Một số trường THPT lại lựa chọn phương án tập trung ôn các môn thi bắt buộc tại trường, khuyến khích HS tự ôn tập các môn thi tự chọn. Theo thầy Mai Xuân Đồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu, đến thời điểm này, nhà trường vẫn ưu tiên ôn tập 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh vào 3 buổi chiều thứ Hai, Ba, Năm với thời lượng mỗi môn 4 tiết tại trường và 2 môn Vật lý, Hóa học thời lượng 2 tiết/tuần do các môn thi này lượng kiến thức tương đối lớn. Từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 trở đi mới bố trí học thêm tất cả các môn thuộc bài thi tổ hợp. Về nội dung ôn tập, sau khi kết thúc chương trình lớp 12, nhà trường mới tiến hành ôn chương trình lớp 11 trên cơ sở phân loại HS, lựa chọn những nội dung trọng tâm để giảm áp lực cho các em. Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức), thầy Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, nhà trường chỉ tổ chức ôn tập 3 môn thi bắt buộc vào 3 buổi chiều, thời lượng môn Toán 4 tiết, Ngữ Văn và tiếng Anh mỗi môn 3 tiết. Với các môn tự chọn, các em có thể tự ôn tập hoặc học thêm tại các trung tâm. Trong quá trình học và ôn tại trường, GV bộ môn chủ yếu giảng dạy chương trình lớp 12 và lồng ghép thêm một số nội dung cơ bản của chương trình lớp 11. Nhằm giúp các em làm quen với kỳ thi THPT Quốc gia, trong các bài kiểm tra, bài thi giữa kỳ, học kỳ, nhà trường đều ra đề trên tinh thần đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT và tình hình thực tế của trường và từng lớp.
Dự kiến, cuối tháng 5, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức kỳ thi thử THPT lần 2. Sở GD-ĐT yêu cầu các trường bám sát cấu trúc đề thi tham khảo để thống nhất nội dung, biên soạn hệ thống câu hỏi hoặc đề thi cho HS luyện tập, hướng dẫn cách thức làm bài theo cấu trúc đề thi từ dễ đến khó để HS không lãng phí thời gian trong quá trình làm bài. Nội dung ôn tập thi THPT Quốc gia năm 2018 bao gồm nội dung chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12 THPT, trong đó tập trung chủ yếu chương trình lớp 12. Các nhà trường cần lưu ý lồng ghép nội dung chương trình lớp 11 vào dạy học và ôn tập một cách hợp lý. Tùy theo đối tượng HS, GV đặt ra yêu cầu phù hợp trong chương trình ôn tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để đạt được mục tiêu xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. |
Bài, ảnh: KHÁNH CHI