Nghĩ về đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam hiện đại
Đức hy sinh là phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Nhưng trong xã hội hiện đại, phẩm chất đó cần được nhìn nhận như thế nào mới phù hợp?
Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn tri thức, từ đó, phát triển năng lực, sở trường của bản thân. Không chỉ đảm đang, tháo vát, chu toàn trong công việc gia đình, nhiều phụ nữ còn năng động, nhạy bén, thể hiện được khả năng của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Không ít trong số họ đã trở thành những chính trị gia, văn nghệ sỹ, trí thức, doanh nhân thành đạt… Người phụ nữ đang dần nâng cao vị thế và vai trò của mình ngang bằng với nam giới. Mặc dầu vậy, do là “phái yếu”, lại vừa phải gánh vác, đảm đương công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, vừa phải cáng đáng công việc ngoài xã hội khiến cho nhiều người lắm lúc không khỏi cảm thấy mệt mỏi. Khi đó, người phụ nữ rất cần sự sẻ chia, đỡ đần từ các “đấng mày râu”, nhất là từ chính người chồng của mình thay vì phải lẳng lặng chấp nhận và hy sinh.
Như vậy, trong thực tế cuộc sống, có nhiều trường hợp người nữ không nhất thiết phải hy sinh để rồi nhận về mình sự thua thiệt vô lý. Một người chồng suốt ngày bê tha rượu chè, còn sa vào tệ nạn xã hội liệu có xứng đáng để người phụ nữ phải hy sinh? Một người đàn ông ưa dùng bạo lực, thường xuyên “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân’ với vợ con, luôn coi mình là trung tâm, muốn làm gì thì làm, liệu có xứng đáng để người phụ nữ suốt ngày phải nín nhịn, cung phụng. Một khi quan niệm đã là phụ nữ thì phải biết hy sinh như một “nghĩa vụ” mặc định thì sự bất bình đẳng sẽ vẫn còn tồn tại. Ở thời đại nào, người phụ nữ cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Do đó, nên chăng, người phụ nữ chỉ nên hy sinh cho những điều khiến cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa hơn.
BÙI MINH TUẤN