.

Kỳ nữ múa lân mai hoa thung

Cập nhật: 09:07, 02/03/2018 (GMT+7)

Các tiết mục múa lân-sư-rồng đã quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng, người múa lân là nữ, mà lại thực hiện bài mai hoa thung với độ khó và nguy hiểm cao là chuyện hiếm có. Vì vậy, nhiều khán giả đã trầm trồ khi chứng kiến màn trình diễn của Lê Thị Thúy Hằng và Lê Thị Cẩm Nhung (đoàn lân Hùng Nghĩa Đường, huyện Long Điền).

Thúy Hằng và Cẩm Nhung cùng 21 tuổi, đã tạo ấn tượng đẹp khi là 2 kỳ nữ hiếm hoi trong số hơn 1.000 võ sinh của 43 đoàn lân-sư-rồng khu vực phía Nam tham gia Hội diễn lân-sư-rồng 2018, do Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh tổ chức đầu tháng 1 vừa qua. Trước giờ diễn, nhiều người tò mò khi thấy 2 cô gái trẻ ôn bài thăng bằng trên giàn mai hoa thung. Thúy Hằng đứng trên cây cột cao 2,5m, vừa giữ thăng bằng, vừa đỡ cho Cẩm Nhung đứng trên đầu gối mình. Hai tay Hằng bám chặt người bạn diễn, chân từ từ hạ thấp để Nhung cúi xuống lấy chiếc kính gắn trên cột. 

Nhung (trái) và Hằng sau tiết mục mai hoa thung tại Hội diễn lân-sư-rồng năm 2018 do Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh tổ chức.
Nhung (trái) và Hằng sau tiết mục mai hoa thung tại Hội diễn lân-sư-rồng năm 2018 do Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh tổ chức.

Vào giờ diễn, khi tiếng trống, phèng la, chập chõa... vang lên, Hằng và Nhung khoác bộ lân màu trắng lên người. Bằng động tác dứt khoát, con lân nhảy lên cây cột, bắt đầu điệu múa mai hoa thung trong tiếng hò reo cổ vũ của hàng ngàn khán giả. Khi thì con lân đủng đỉnh đi trên cột, khi lại phấn khích đứng thăng bằng trên 2 chân sau, khi lắc lư đầu làm dáng, lúc chạy nhảy vui sướng vì “hái” được lộc. Những động tác uyển chuyển mà cũng rất khó như nhảy múa, nhấc bổng người bằng 2 chân trước hoặc thăng bằng trên 2 chân sau và nhảy từ cột này sang cột khác, được 2 kỳ nữ thực hiện nhuần nhuyễn như đang biểu diễn trên mặt đất. Khoảnh khắc hồi hộp nhất là khi con lân đứng trên cột, cúi xuống lấy chiếc kính và đeo lên mắt. Khán giả như nín thở theo từng động tác của 2 cô gái, bởi chỉ một sơ sẩy nhỏ, Hằng và Nhung có thể té bất kỳ lúc nào. Mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm khi 2 cô gái hoàn thành bài thi của mình.

Màn mai hoa thung của Nhung và Hằng.
Màn mai hoa thung của Nhung và Hằng.

Thúy Hằng và Cẩm Nhung tham gia CLB lân Hùng Nghĩa Đường được 4 năm nay. Gia đình Hằng ở ấp Phước Hưng, xã Tam Phước, còn nhà Nhung ở ấp An Lộc, xã An Ngãi. Hai cô gái trẻ đến với nghề múa lân bởi quá đam mê: Năm 2011, Nhung và Hằng đi tập võ tại CLB Võ thuật cổ truyền Việt Nam (huyện Long Điền). 3 năm sau, khi 17 tuổi, họ được ông Lê Hoàng Hùng, Chủ nhiệm CLB võ thuật, Chủ nhiệm đoàn lân Hùng Nghĩa Đường nhận vào tập luyện cùng đoàn lân. Cả hai giấu gia đình việc đi múa lân. Cẩm Nhung kể: “Cách đây 2 năm, ba mẹ đi coi đoàn lân Hùng Nghĩa Đường biểu diễn mới biết. Ban đầu, ba mẹ cũng phản đối dữ lắm, nhưng thấy em mê quá nên ba mẹ cũng đồng ý, chỉ dặn em phải cẩn thận”. 

Sau 2 năm, khi đã diễn thành thạo các động tác trên mặt đất, Hằng và Nhung xin chủ nhiệm cho thử sức với màn lân leo cột hái lộc và mai hoa thung. Múa lân trên mặt đất đã khó, bởi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa đầu và đuôi lân thì múa mai hoa thung còn khó gấp bội. Người múa lân phải thực sự hiểu nhau, ăn ý với nhau, có thể nói là 2 người như 1. Giàn mai hoa thung có 21 cột (cột thấp nhất cao 1,2m và cao nhất 2,5m), chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tai nạn, thương tích. “Những tai nạn, bầm tím chân tay và thân thể khi tập luyện là chuyện bình thường. Em thường phải nén đau, luôn tỏ ra tươi cười khi về nhà, để ba mẹ không xót con mà cho em đi múa lân”, Cẩm Nhung cho hay.

Để múa được màn mai hoa thung, 2 cô gái đã tập luyện trên mặt đất trong nhiều tháng, khi các động tác thực sự nhuần nhuyễn mới chuyển lên tập trên giàn. “Mỗi màn múa lân, tụi em tập từ 3-4 tháng mới thuần thục. Trước khi đi diễn, tụi em cũng phải ôn lại để bảo đảm an toàn tuyệt đối khi diễn”, Thúy Hằng cho biết. Hiện nay, Hằng đang làm công nhân may, còn Nhung là SV năm cuối trường CĐ Sư phạm Bà Rịa. Ngày thường, họ đi học, đi làm và duy trì luyện võ để rèn thể lực. Họ chỉ tập và múa lân khi chuẩn bị có sô diễn. “Tuy nhiên, không ai sống bằng nghề múa lân cả vì thu nhập không ổn định. Chúng em đi làm để nuôi đam mê, còn sức khỏe là còn múa lân”, Hằng nói thêm. 

Ông Lê Hoàng Hùng, Chủ nhiệm đoàn lân Hùng Nghĩa Đường cho biết, để có thể nhảy múa trên giàn mai hoa thung, các võ sinh phải thực hiện các động tác phức tạp như đội đầu lân (nặng 6-7kg) đứng một chân trên đùi, đứng trên tay hoặc vai của người giữ đuôi lân, rồi 2 chân đứng trên đùi, quay 180 độ, nhảy ngồi lên đầu… Chỉ cần mất tập trung trong tích tắc hoặc phối hợp không nhịp nhàng với tiếng trống, thì tai nạn là điều khó tránh khỏi. “Lâu nay, màn múa mai hoa thung thường chỉ dành cho nam giới. Hằng và Nhung là 2 võ sinh đặc biệt và có năng khiếu mới làm được các động tác này”, ông Hoàng Hùng nói.

Bài, ảnh: MINH QUANG

.
.
.