Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc
Với sự quan tâm chăm lo của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, những năm qua, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Châu Đức đã có nhiều đổi thay tích cực.
Gia đình chị Đào Thị Thanh Thúy (người dân tộc Châu Ro, ở ấp Vinh Thanh, TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức) đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang do Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng. |
Xuân Mậu Tuất 2018 là năm đầu tiên gia đình chị Đào Thị Thanh Thúy (SN 1987, người dân tộc Châu Ro, ở ấp Vinh Thanh, TT.Ngãi Giao) được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. Căn nhà mới của chị Thúy, anh Huy rộng hơn 50m2 do Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng. Lập gia đình từ năm 2008, do không có đất sản xuất nên gia đình chị Thúy phải đi làm mướn, công việc bấp bênh, không ổn định. Nhiều năm liền, gia đình chị ở trong ngôi nhà tạm bợ, ẩm thấp. Năm 2014, anh Nguyễn Văn Huy, chồng chị Thúy, bị gãy xương cột sống khi đang bốc vác thuê, khiến anh phải ngồi xe lăn và không còn khả năng lao động. Vì vậy, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương công nhân gần 5 triệu đồng/tháng của chị Thúy. Biết được hoàn cảnh gia đình chị Thúy, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí xây nhà ở cho gia đình chị theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Từng là hộ nghèo chuẩn quốc gia, năm 2008, gia đình bà Đào Thị Hồng (dân tộc Châu Ro, ở tổ 5, thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc) được Ban điều hành thôn hỗ trợ vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện. Bên cạnh đó, gia đình bà Hồng còn được hỗ trợ 1 con bò sinh sản và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình bà Hồng có 5 con, mỗi năm sinh sản 5 con bê. Ngoài nuôi bò, bà Hồng còn nuôi thêm đàn dê hơn 20 con. Nguồn thu nhập từ việc chăn nuôi đã mang lại cho gia đình bà Hồng từ 70-100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình bà Hồng đã thoát nghèo vào năm 2015.
Thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 2016-2020) về hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn và Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, trong 2 năm 2016-2017, trên địa bàn huyện Châu Đức, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 48 nhà ở, 91 nhà vệ sinh; cấp điện, nước sinh hoạt cho hơn 110 hộ; hỗ trợ cây, con, giống phát triển sản xuất cho hơn 430 hộ đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, bà con đồng bào DTTS trên địa bàn huyện còn được tiếp cận các kỹ thuật khoa học hiện đại áp dụng vào việc nuôi, trồng, cải thiện đời sống. Đến nay, 98% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Châu Đức đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, chăm lo của Nhà nước.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Vinh Thanh, TT.Ngãi Giao (huyện Châu Đức) phấn khởi bên những con đường bê tông sạch, đẹp do Nhà nước xây dựng. |
Nói về những khởi sắc trên quê hương, ông Dương Văn Đừng (người dân tộc Châu Ro, ở thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh) cho biết: “Trước đây, những con đường đất trên địa bàn gập ghềnh, chật hẹp, bà con đi lại rất vất vả. Nhà cửa của người dân hầu hết đều lụp xụp, tuềnh toàng. Cuộc sống của bà con quanh năm thiếu thốn, khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, đến nay, đường sá đã được nâng cấp trải nhựa sạch, đẹp, tạo thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương. Chúng tôi rất phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, từ đó càng thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.
Theo báo cáo của UBND huyện Châu Đức, thời gian qua, huyện đã không ngừng đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, trong đó có những tuyến đường thuộc chương trình 135. Trong 5 năm trở lại đây, thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn huyện Châu Đức đã có 69,5km đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Ông Nguyễn Công Vinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết: Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, các chương trình, đề án chăm lo đời sống đồng bào DTTS đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Châu Đức đã có 6/14 xã được công nhận xã nông thôn mới. Đời sống của đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, bà con phấn khởi lao động, sản xuất. “Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, ưu tiên chăm lo, đầu tư cho những vùng có nhiều đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân”, ông Nguyễn Công Vinh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH
Huyện Châu Đức hiện có 13 DTTS đang sinh sống, với 2.161 hộ (9.456 nhân khẩu), trong đó đồng bào dân tộc Châu Ro chiếm đa số, với 5.141 nhân khẩu. Tính đến cuối năm 2017, tổng số hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo là 321 hộ, giảm 145 hộ so với cùng kỳ năm 2016. |