Em ơi cho anh vào bếp
Từ ngàn xưa, ông bà ta đã đúc kết kinh nghiệm hạnh phúc gia đình và cho ra câu thành ngữ: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”. Ngôi nhà sẽ không vững vàng, lèo lái vượt qua bao khó khăn nếu thiếu phần trách nhiệm của người đàn ông. Ngược lại, bữa cơm gia đình sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô vị nếu thiếu đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ.
Tuy nhiên ở thời hiện đại, trách nhiệm của người chồng và người vợ được chia đều ngang nhau. Phụ nữ làm được những việc to tát của đàn ông thì ngược lại, đàn ông cũng cần khéo léo đảm đang nội trợ để có thể hiểu được sự mệt nhọc trong công việc bếp núc là như thế nào.
Thực tế, nhiều ông chồng muốn san sẻ việc nhà cho vợ đỡ mệt nhọc, nhưng cũng cần phải nói thêm là không phải phụ nữ nào cũng ủng hộ chồng mình “tề gia nội trợ”. Câu chuyện của anh Khánh là ví dụ. Anh đã nhiều lần nài nỉ vợ “cho anh được vào bếp” nhưng chị Xuyến - vợ anh lại thẳng thừng chối từ vì cho rằng đôi tay anh thô kệch, vụng về, không thể làm những công việc bếp núc. Vì vậy, hễ thấy anh vào bếp là chị lại đuổi ra ngoài: “Anh mà làm được cái gì, ra ngoài đi, ngồi coi tivi chút xíu em làm xong rồi ăn”.
Ngày nay, hình ảnh đàn ông giúp vợ làm việc nhà đã trở nên quen thuộc. Ảnh: INTERNET |
Có một người vợ ôm đồm chuyện nhà, không nhờ chồng giúp thì sướng quá đi chứ. Nhưng anh Khánh lại chả thích thú gì, bởi chị Xuyến thường “buôn chuyện” với mấy người bạn là chồng mình cục mịch, lười biếng, đi làm về chỉ biết ngồi xem ti vi, lướt mạng chứ không biết làm việc gì khác khiến hình ảnh của anh trong mắt bạn bè, hàng xóm là một người chồng thiếu trách nhiệm. Một lần anh Khánh tình cờ nghe được, anh giận vợ, quát chị Xuyến rằng đang hạ thấp danh dự của chồng. Chị Xuyến chống chế rằng chị chỉ nói cho vui, nhưng tiếng xấu về anh đã lan truyền cả xóm.
Sau hôm ấy, anh Khánh nhất quyết vào bếp học nấu ăn. Chị Xuyến không thể từ chối khi anh tuyên bố: “Nếu không cho anh vào bếp thì em nấu cho em và con ăn đi”. Sau những bỡ ngỡ, vụng về, “tay nghề” nấu ăn của anh Khánh dần được nâng lên. Anh bảo, chẳng có gì khó khăn cả. Cái chính là bản thân có chịu khó học hỏi hay không mà thôi. Cũng nhờ vào bếp nên anh Khánh đã nhận ra những nỗi vất vả, cực nhọc của vợ trong vai trò bà nội trợ. Vì thế, anh càng trân trọng công việc nữ công gia chánh của vợ mình và những người phụ nữ khác, thay vì xem nhẹ như trước kia. Về phần chị Xuyến, khi thấy chồng nấu ăn thuần thục, chị khen lấy khen để. Đi đâu, chị cũng khoe rằng chồng mình đã biết nấu ăn, mà còn nấu rất ngon. Để kiểm chứng, một ngày cuối năm, chị rủ mấy cô bạn về nhà chơi. Anh Khánh được dịp trổ tài nấu ăn cho vợ và bạn vợ thưởng thức. Ai cũng tấm tắc khen anh nấu ngon không kém gì chị Xuyến.
Từ khi anh Khánh biết nấu ăn, căn nhà của anh chị càng ấm cúng, vui vẻ. Những hôm anh đi công tác xa, bữa cơm trở nên nhạt nhẽo vì các con anh đòi ba phải về nấu ăn cho bằng được. Nghe vợ gọi điện bảo tranh thủ về sớm nấu cơm cho vợ con, anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Anh cho rằng, đàn ông làm việc nhà, nhất là nấu ăn, không có gì phải mắc cỡ. Thời đại này làm gì còn chuyện “chồng chúa vợ tôi”. Thay đổi vai trò cho nhau để làm cho tổ ấm gia đình thêm thú vị.
NGUYỄN HOÀNG DUY