Giải pháp nào để quản lý người thi hành án treo?
Từ nhiều năm qua, việc quản lý các trường hợp đang thi hành án treo và cải tạo không giam giữ (tạm gọi chung là án treo) đang khá khó khăn, có nhiều lỗ hổng. Điều này dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng, chính quyền không theo dõi được các đối tượng đang thi hành án (THA). Do vậy, cần chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng THA, bị phạt cải tạo không giam giữ đúng quy định pháp luật.
TAND tỉnh xét xử 1 vụ án hình sự. |
CHƯA “NẮM” ĐƯỢC NGƯỜI THI HÀNH ÁN
Bà Lê Thị Đầy, Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết, tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có 355 trường hợp đang chấp hành án treo và cải tạo không giam giữ. Thời gian qua, Viện KSND 2 cấp đã thực hiện kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong công tác THA treo và cải tạo không giam giữ của các đối tượng tại xã, phường và thị trấn trên địa bàn tỉnh, nhìn chung công tác quản lý đối tượng bảo đảm đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, qua hoạt động kiểm sát cũng phát hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc quản lý 2 loại đối tượng này tại địa phương, cụ thể: Việc ra quyết định THA, chuyển giao quyết định THA, bản án cho cơ quan THA hình sự và cho người bị kết án để thi hành vẫn còn chậm so với quy định; Chưa cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt theo thẩm quyền; Chậm hoặc không lập hồ sơ đề nghị TAND cấp huyện xét miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, rút ngắn thời gian án treo cho các trường hợp theo quy định; Các đối tượng chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, án treo chuyển nơi cư trú đến địa phương khác nhưng UBND, công an các xã, phường, thị trấn không thông báo kịp thời cho cơ quan THA cấp huyện để thông báo đến nơi các đối tượng này chuyến đến cư trú để tiếp tục quản lý, giáo dục và giám sát; Chưa sử dụng mẫu sổ mới theo quy định của Bộ Công an mà sử dụng sổ “tự chế” để theo dõi người chấp hành án…
Ở khía cạnh khác ông Phạm Hữu Dương, Trưởng Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và THA hình sự-Viện KSND tỉnh cho hay, hiện nay, việc quản lý án treo, cải tạo không giam giữ tại một số UBND xã, phường chưa được quan tâm do họ chưa hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của chế định án treo và cải tạo không giam giữ. Có nơi cho rằng, đây chỉ là hình phạt mang tính hình thức, không nghiêm khắc, nên chưa thực sự quan tâm đến công tác THA phạt tù cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ của bị án, mà xem việc này là của tòa án, công an. Từ đó mới có tư tưởng chỉ làm lấy lệ, không phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, khiến nhiều trường hợp bỏ đi đâu không rõ. Theo số liệu thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 40 đối tượng đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ bỏ đi khỏi nơi cư trú nhưng địa phương không nắm được. Đơn cử như, tại TP.Vũng Tàu có 91 trường hợp đang chấp hành án treo, nhưng có đến 30 đối tượng “biến mất” khỏi nơi cư trú, chính quyền địa phương không quản lý, giáo dục, giám sát được!.
“Tuy Luật THA hình sự quy định rõ nghĩa vụ của người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, nhưng không quy định quyền áp giải THA đối với những người phải chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ khi họ vắng mặt tại địa phương. Ngoài ra, công tác rà soát, lập hồ sơ đề nghị xét duyệt giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, rút ngắn thời gian thử thách án treo chưa được một số UBND các xã, phường quan tâm”, ông Dương nói.
Còn theo Công an tỉnh, việc THA treo, cải tạo không giam giữ chưa đạt hiệu quả có phần do chính các đối tượng diện này nghĩ mình đã thoát tội, do đó không chấp hành việc triệu tập, mời, gọi của lực lượng công an. Họ “vô tư” bỏ đi cư trú nơi khác, bỏ đi đâu không rõ không báo với công an khu vực và chính quyền địa phương.
Đối tượng Trần Thị Hiên (bìa trái, SN 1979, quê Nghệ An) bị TAND TP.Vũng Tàu tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội không tố giác tội phạm. Ảnh: TRÍ NHÂN |
QUẢN LÝ NHƯ THẾ NÀO ?
Ông Nguyễn Văn Hiến, Chánh án TAND tỉnh cho biết, trong năm 2017, TAND 2 cấp đã tuyên 168 trường hợp được hưởng án treo và 11 trường hợp cải tạo không giam giữ. Các trường hợp THA treo và cải tạo không giam giữ đã được TAND ra quyết định và giao cho cơ quan THA hình sự cùng cấp giao UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi cư trú, làm việc của đối tượng để tổ chức thực hiện THA, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Là một địa phương được đánh giá làm tốt công tác quản lý, giáo dục người cho chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ tại địa phương, ông Nguyễn Thành Tuynh, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cho hay: Trên địa bàn xã hiện có 15 đối tượng án THA treo, cải tạo không giam giữ. Sau khi có quyết định THA của TAND, UBND xã nắm danh sách và gặp gỡ, động viên người phải chấp hành án dưới sự quản thúc của địa phương. Tùy vào độ tuổi, giới tính, UBND xã sẽ giao trách nhiệm cho các đoàn thể quản lý. Nhờ vậy, trong năm 2017, địa phương đã kiến nghị cơ quan THA hình sự Công an huyện xét giảm thời gian thử thách cho 5 đối tượng. “Hàng quý, chúng tôi phối hợp với công an khu vực gọi đối tượng lên viết bản kiểm điểm, đánh giá những mặt tốt, xấu, kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp giáo dục kịp thời để họ hướng thiện hòa nhập cộng đồng”, ông Tuynh nói.
Anh Huỳnh Văn Q. (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) là người chấp hành xong án treo về tội trộm cắp tài sản, tâm sự: “Mấy năm trước, cũng vì nông nổi ham chơi nên tôi theo nhóm bạn đi trộm tài sản của một nhà dân để nướng vào game. Vì vậy, tôi đã bị TAND huyện Long Điền tuyên phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo. Khi bắt đầu chấp hành án tại địa phương, tôi được các anh, chị trong đoàn thanh niên, cô chú trong ấp đến động viên tôi chấp hành án tốt. Vì vậy, tôi đã xóa mặc cảm, tham gia sinh hoạt đoàn tại địa phương. Nhờ vậy, tôi được giảm xét giảm án trước thời hạn”.
Theo bà Lê Thị Đầy, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, để việc THA treo, cải tạo không giam giữ đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa cơ quan tòa án, kiểm sát, công an với chính quyền địa phương nơi người bị kết án cư trú hay cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án công tác; Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp về THA treo, cải tạo không giam giữ theo hướng tập trung; Giao cho một cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận, có thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan tới công tác THA treo, cải tạo không giam giữ. Đối với UBND cấp xã, phải nâng cao trình độ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện theo dõi việc THA án treo, cải tạo không giam giữ của các đối tượng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần có kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ cho cán bộ thực hiện công tác THA hình sự cấp xã. “Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật, cần bố trí nguồn vốn, tạo điều kiện cho người chấp hành án được vay vốn, giới thiệu tìm được việc làm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng trong thời gian chấp hành án và hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn THA, cải tạo không giam giữ”, bà Lê Thị Đầy nhấn mạnh.
Hình phạt cải tạo không giam giữ nhằm tạo điều kiện cho người bị phạt cải tạo không giam giữ (sau đây gọi là người bị kết án) lao động, học tập tại cộng đồng và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú và gia đình người đó. Người bị kết án phải chấp hành hình phạt dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục và gia đình người đó. Khi người bị kết án đã chấp hành được một phần ba (1/3) thời hạn cải tạo không giam giữ và có nhiều tiến bộ hoặc lập công, mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được Tòa án xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt theo quy định. (Nghị định số 60/2000/NĐ-CP Quy định việc thi hành hình phạt Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai (1/2) thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này. (Điều 65 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13) |
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN