Coi chừng "lãnh đủ" vì cầm cố sổ BHXH
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng người lao động (NLĐ) ở một số địa phương (Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đăk Nông) đem sổ BHXH đi cầm cố. Việc làm này sẽ dẫn đến những hậu quả gì? Trao đổi với PV Báo BR-VT, ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết:
Việc cầm cố sổ BHXH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ, của đơn vị sử dụng lao động và của cả người nhận cầm cố sổ BHXH. Quy định hiện hành chỉ cho phép cấp lại sổ BHXH đối với trường hợp NLĐ làm mất, hỏng sổ BHXH. Do đó, trường hợp NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan BHXH cấp lại, nếu cơ quan BHXH phát hiện thì NLĐ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ vì hành vi kê khai không đúng sự thật.
Người lao động cần có ý thức bảo vệ sổ BHXH của mình, khai báo thành thật lý do khi bị mất sổ BHXH để được cơ quan BHXH xem xét, cấp lại sổ BHXH. |
* Người nhận cầm cố BHXH gặp những rủi ro gì, thưa ông?
- Người nhận cầm cố sổ BHXH gặp rủi ro cao vì sổ BHXH không phải là giấy tờ có giá. Pháp luật không quy định việc dùng sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng hay BHXH một lần. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia BHXH (hoặc thân nhân của họ) mới được hưởng quyền lợi liên quan. Vì vậy, nếu NLĐ cầm cố sổ BHXH, sau đó được cơ quan BHXH cấp lại sổ vì lý do bị mất sổ và đem sổ BHXH cấp lại đi giải quyết BHXH, khi đó, sổ BHXH của người nhận cầm cố sẽ vô giá trị, kể cả có giấy ủy quyền. Trường hợp NLĐ tham gia BHXH nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng BHXH một lần mà qua đời) thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tử tuất, người cầm cố sổ BHXH cũng sẽ không được hưởng.
Hiện nay, thủ tục đề nghị cấp lại sổ BHXH khá đơn giản. NLĐ chỉ cần có đơn trình báo mất sổ BHXH, đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH có xác nhận của chính quyền địa phương, giấy xác nhận quá trình đóng BHXH, giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp một lần của cơ quan BHXH, tờ khai cấp sổ… và nộp lên cơ quan BHXH. Sau đó, cơ quan BHXH sẽ cấp lại sổ BHXH cho NLĐ. Đến hạn, NLĐ có thể cầm sổ BHXH này để đi nhận trợ cấp BHXH một lần với đầy đủ giấy tờ thật và người thật. Đến khi đó, bên nhận thế chấp sổ BHXH có nguy cơ mất trắng.
* Ông có những lời khuyên gì cho NLĐ, đơn vị sử dụng lao động và tổ chức nhận cầm cố BHXH?
- Nhằm hạn chế những tranh chấp phát sinh sau này liên quan đến việc thế chấp sổ BHXH, các DN, cơ, quan BHXH cần tăng cường tuyên truyền đến NLĐ về những hậu quả khi mang sổ BHXH đi thế chấp, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân cố tình khai báo gian dối. NLĐ phải có trách nhiệm bảo quản sổ BHXH của mình, không nên khai báo gian dối tình trạng mất sổ BHXH. Chủ các tiệm cầm đồ và các cá nhân, đơn vị không nên nhận thế chấp sổ BHXH của NLĐ, bởi khả năng mất trắng tài sản rất cao như phân tích ở trên.
* Xin cảm ơn ông!
Tính đến này 31-1-2018, toàn tỉnh có 204.431 NLĐ tham gia BHXH, trong đó BHXH tỉnh đã trao sổ BHXH cho 143.265 người. Trong số này có 3.138 người yêu cầu BHXH cấp lại sổ BHXH và đã được BHXH tỉnh cấp lại sổ BHXH. Qua sàng lọc, BHXH tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào xin cấp lại sổ BHXH vì lý do đã cầm cố sổ BHXH mà do NLĐ làm mất sổ, sổ BHXH bị hư hỏng. |
TUỆ LÂM
(thực hiện)