Chia sẻ cách lựa chọn ngành nghề
Sở GD-ĐT, Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh phối hợp với Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh và một số trường ĐH, CĐ vừa tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề-Sáng tương lai” cho khoảng 12.000 HS của 40 trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh.
HS lớp 12A1, Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) trong tiết học tiếng Anh. |
CHỌN NGHỀ TRƯỚC, CHỌN TỔ HỢP XÉT TUYỂN SAU
Một trong những băn khoăn của HS khi tham gia tư vấn tuyển sinh vẫn là vấn đề “muôn thuở” trước các kỳ thi ĐH, CĐ: Chọn nghề theo sở thích hay theo định hướng và điều kiện của gia đình. Rất nhiều câu hỏi của các HS đều mong muốn tìm được câu trả lời cho băn khoăn này. “Em thật sự không biết nên chọn nghề theo sở thích của mình, hay theo định hướng của cha mẹ?”, Nguyễn Thanh Long, HS lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hỏi.
Theo TS. BS. Vũ Thiện Toàn, Hội Tâm lý Khoa học Giáo dục Việt Nam, có 4 căn cứ để lựa chọn ngành nghề, đó là: Sở thích của bản thân; năng lực, tố chất đáp ứng yêu cầu công việc; điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu nguồn nhân lực. Trong đó, yếu tố sở thích và năng lực được ưu tiên hàng đầu bởi nhờ đó các em mới có thể gắn bó, phát triển với ngành nghề mình lựa chọn. Nhiều HS không thuyết phục được cha mẹ đồng ý với lựa chọn của mình bởi bản thân các bạn không chủ động tìm hiểu sâu về ngành nghề mình yêu thích nên chưa tạo được lòng tin với phụ huynh. Do đó, ngoài 4 căn cứ trên, các em còn phải tìm hiểu kỹ về ngành, nghề mình theo học, những tố chất cần có để đáp ứng yêu cầu công việc.
Chia sẻ “bí kíp” lựa chọn ngành nghề, ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho hay, trước hết, các em cần xác định mình yêu thích nghề gì, kế đến mới chọn ngành học, bậc học, chọn trường và cuối cùng là tổ hợp môn xét tuyển. Chỉ khi xác định rõ ràng được mục tiêu của mình, các em mới vững tâm học và ôn tập để chinh phục mà không bị dao động bởi ý kiến của những người xung quanh.
Thành viên Ban tư vấn giải đáp thắc mắc cho HS trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. |
Trước các câu hỏi của thí sinh về việc không giới hạn nguyện vọng xét tuyển, TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban công tác HSSV- ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, nhận định: “Năm 2017, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển khi đăng ký từ 3-5 nguyện vọng là gần 70%. Do đó, nếu đã có đủ thông tin, các em chỉ nên chọn từ 3-5 nguyện vọng. Trong đó, có những nguyện vọng vừa sức, có nguyện vọng thấp hơn một chút so với năng lực tự đánh giá của các em để đề phòng rủi ro và ngược lại. Cách lựa chọn như vậy sẽ giúp cho khả năng trúng tuyển của các em ở mức khá cao”.
MỘT SỐ TRƯỜNG TỔ CHỨC KỲ THI KIỂM TRA NĂNG LỰC
Trong chương trình tư vấn, việc một số trường tổ chức kỳ thi riêng cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo HS. Đại diện các trường: ĐH Quốc gia, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, ĐH FPT, ĐH Việt Đức đều cho biết: Nhà trường sẽ tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ cho công tác tuyển sinh. Trong đó, Trường ĐH Việt Đức sử dụng đề thi do Viện khảo thí TestDaF (Đức) cung cấp. Ngoài phần đánh giá kỹ năng, đề thi cũng có phần thi tích hợp với các kiến thức liên quan đến các chuyên ngành đào tạo. Trong khi đó, thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực sau khi trải qua vòng sơ tuyển học bạ, xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia. Bài thi đánh giá năng lực chiếm tỷ trọng 30-40% trong tổng điểm xét tuyển.
Còn tại Trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, dự kiến, kỳ thi này được tổ chức sau kỳ thi THPT quốc gia từ 7-10 ngày. Đề thi kiểm tra năng lực của trường được thiết kế theo định dạng bài thi SAT 2 (bài sát hạch đầu vào của các trường ĐH ở Mỹ), trong đó thí sinh dự thi môn Toán và 1 môn tự chọn để đánh giá năng lực ngôn ngữ, kỹ năng tư duy logic, giải quyết vấn đề của thí sinh. Tương tự, Trường ĐH FPT cũng tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với 2 bài thi đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi.
Theo ThS. Đặng Quốc Chương, đại diện trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, bài thi đánh giá năng lực không thuần túy kiểm tra kiến thức bậc THPT mà còn đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ, cách tiếp cận, nhìn nhận thông tin xã hội, kỹ năng tư duy logic. Điều này được coi là cách thức chính xác nhất giúp trường tuyển được người học phù hợp với ngành đào tạo. Để vượt qua kỳ thi này, HS nên giữ tinh thần thoải mái, không nhất thiết phải luyện thi căng thẳng mà nên chú trọng rèn luyện các kỹ năng và trau dồi kiến thức xã hội.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI