Trò chuyện cùng con
Chiều nào cũng vậy, con gái đi học về lại ríu rít, nhỏ to bao nhiêu là chuyện trường lớp, bạn bè… chẳng khác nào con chim non quấn lấy ba mẹ sau một ngày xa cách. Tôi cười tươi, lòng vui sướng. Mỗi khi trò chuyện cùng con, tôi lại nhận ra nhiều điều ý nghĩa, thú vị.
Cuộc sống hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều những phương tiện thông tin, giải trí hiện đại như: điện thoại thông minh (smartphone), iPad… Bên cạnh tiện ích, các phương tiện này thường cuốn con người vào thế giới ảo, nhiều lúc không quên cả thế giới hiện thực.
Tôi mê bóng đá từ khi chưa lấy vợ. Lúc rảnh rỗi, tôi thường mở smartphone để theo dõi những trận bóng yêu thích, xem lại những pha ghi bàn của cầu thủ thần tượng. Khi con gái đầu lòng ra đời, tôi hay mở iPad, cho con coi các chương trình quảng cáo, phim hoạt hình, nhạc thiếu nhi… để con khỏi quấy khóc, thay vì trò chuyện, ôm ấp con.
Một hôm, đang mải xem bóng đá, tôi không hề hay biết con gái vào phòng ngồi bên góc tủ, mặt mày ủ rũ rồi ngủ quên trong tư thế ngồi khi nào không hay. Vợ đi công tác, gọi điện về, con bé 4 tuổi vừa khóc vừa mách mẹ: “Ba không nói chuyện với con. Con buồn lắm. Mẹ nhanh về với con đi!”. Nghe con nói, tôi sững người vì sự vô tâm của mình đã khiến con buồn đến thế. Tôi ôm con vào lòng, dỗ dành và tự hứa phải thay đổi.
Từ đó, cùng với vợ, hàng ngày tôi đều dành thời gian trò chuyện cùng con và nhận ra con trưởng thành, ngày càng khôn ngoan hơn khi có sự quan tâm, chỉ dạy từ ba mẹ. Tôi thấy rằng, trò chuyện với con cũng là cách hai vợ chồng dạy con các kỹ năng, thái độ sống; giúp con luôn cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương của gia đình và luôn có suy nghĩ tích cực. Những lời động viên, khuyến khích đúng lúc khiến con rất vui, tích cực hơn khi cùng ba mẹ làm việc nhà, hoạt bát trong các trò chơi vận động ở lớp, ngoài trời.
Mỗi ngày, nhìn con gái vui vẻ, ríu rít chuyện này chuyện khác, lòng tôi râm ran vui sướng. Có lần, con gái mỉm cười nhìn ba mẹ: “Con ước gia đình mình cứ như thế này mãi. Con yêu ba mẹ nhiều lắm”. Tôi chợt nhận ra hạnh phúc đơn giản chỉ là sau giờ làm việc, cả nhà quây quần bên nhau, cùng nhau nấu ăn, cùng nhau dọn nhà, cùng nhau xem một bộ phim hay…
Trò chuyện, chơi với con nhiều, tôi dần bỏ bớt thói quen dán mắt vào iPad, điện thoại. Thay vào đó, tôi đưa con ra công viên, lắng nghe những câu chuyện không đầu, không cuối của con, chỉ cho con biết những con vật, những cây cỏ… để thấy con lớn khôn mỗi ngày.
Là giáo viên, tôi thường trò chuyện với học trò. Nhiều em tâm sự ao ước được ba mẹ quan tâm, hỏi han, động viên thay vì chỉ phát cho tiền ăn, mua cho những bộ quần áo, đồ chơi đắt tiền nhưng luôn cáu gắt, quát nạt hoặc thờ ơ, dửng dưng và luôn bận rộn với công việc. Lâu dần, một số em trở nên lầm lì, bướng bỉnh, hoặc phá phách, nổi loạn chỉ vì bị ba mẹ ngó lơ, nhất là khi các em bước vào tuổi dậy thì, tâm - sinh lý có nhiều thay đổi.
Trẻ em cần thiết phải có sự dẫn dắt của ba mẹ để bước vào đời. Trong đó, việc trò chuyện với con là điều hết sức quan trọng và cũng là một nghệ thuật. Cha mẹ hãy đem đến cho con trẻ niềm hạnh phúc và sự phát triển toàn diện. Việc này không khó, chỉ cần sắp xếp lại công việc, thời gian, cất điện thoại, iPad đi và trò chuyện với con.
ĐÌNH THU