.

Đôi lúc cũng cần biết... cãi

Cập nhật: 10:16, 30/03/2018 (GMT+7)

Thi sĩ Hàn Mặc Tử từng dặn dò người tình: “Ai hãy lặng im chớ nói nhiều/Để nghe dưới nước đáy hồ reo/Để nghe tơ liễu run trong gió/Và để nghe trời giảng nghĩa yêu”. Không phải ngẫu nhiên, thi sĩ họ Hàn lại dặn dò như thế.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Trong giây phút gặp gỡ ban đầu, đàn ông thường tỏ ra e dè trước những cô nàng nói nhiều. Những phụ nữ ấy khiến đàn ông ít thiện cảm, luôn tìm cách né tránh. Bởi họ lo sợ, nếu về ở chung, cô nàng sẽ nói suốt ngày như cái loa phát thanh. Nghĩ như thế, nhiều đấng mày râu lẳng lặng đánh bài chuồn. 

Thật vậy, trong lúc sơ giao, dù cả hai im lặng, chỉ nhìn vào mắt nhau, bàn tay này khẽ khàng vuốt ve ngón tay kia là họ đã cảm nhận biết bao điều. Một trong những tính cách cần thiết tạo nên sức hấp dẫn của người phụ nữ vẫn là sự dịu dàng, ít nói và nhẫn nhịn. Anh bạn tôi khi chọn vợ đã “chấm” một người “luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu”. Khi anh nói dõng dạc như tướng quân đứng trước bá quan văn võ, nàng chỉ tủm tỉm cười và chớp mắt gật đầu. Chà, ngoan ơi là ngoan. Nàng chẳng hề hé răng cãi nửa lời. Đã là vợ/người tình thì phải “gọi dạ bảo thưa”. Lúc ấy, người đàn ông nào cũng mát cả ruột.   

Rồi cũng như mọi cuộc hôn nhân khác, vào ngày lành tháng tốt, họ cầm tay song ca: “Em muốn sống bên anh trọn đời/Như áng mây khát khao khát khao bầu trời/Bầu trời của em tình yêu của em/Mùa xuân ơi!”. Tiếng ca ấy nghe nồng nàn lắm, ấm áp lắm. Quan viên hai họ vỗ tay dạt dào như tằm ăn rỗi. Những tưởng, mãi mãi về sau “Mùa xuân ơi” vẫn hiện hữu lâu dài trong cuộc hôn nhân của họ. Thế nhưng, “đời không như là mơ”. Chà, có phải do cô vợ đổi tính trái nết chăng? Suốt ngày, nàng ngồi lê đôi mách, “tám” chuyện giòn như bắp rang hay xoèn xoẹt cãi lại chồng? Không hề, nàng vẫn hiền lành, dịu dàng, đằm thắm, nhỏ nhẹ như xưa chứ nào khác gì đâu.

Thế mới chán! Anh chán bởi vì có những việc cần vợ cho ý kiến thì nàng lại im như thóc. Cần nghe nàng “phản biện” vụ xin nhập trường nào cho con là hợp lý, dễ đưa đón mỗi ngày thì nàng vẫn ngậm hột thị. Chuyện khác nữa, thái độ nàng vẫn thế: “Ý em thế nào?”. Hỏi, là do người chồng chưa tin tưởng lắm vào quyết định của mình. Thế nhưng, nàng chỉ dễ dãi: “Tùy anh, em sao cũng được”. Lúc mới cưới, ai nghe thế cũng thích, bởi trong nhà này “quyền lực” chỉ tập trung trong tay một người. Anh chồng phởn phơ ra chiều đắc ý lắm. Tuy nhiên càng về sau, câu hỏi nào chàng đưa ra cũng chỉ nghe lời đáp đại loại, “tùy anh thôi” khiến anh chồng ngán ngẩm thở dài. 

Chán ơi là chán! Anh chồng ngao ngán, lên facebook đăng dòng trạng thái: “Ước gì được nghe vợ cãi lại một câu cho đời thêm tươi”. Hàng loạt bình luận tỏ ý ngạc nhiên tại sao trên đời này còn có loại ông chồng “té giếng” đến thế? Nhầm tất. Chỉ những người trong cuộc mới hiểu nỗi niềm thầm kín này. Đàn ông dù độc đoán, độc quyền nhưng cũng có lúc cần nghe ý kiến của người khác, chứ không thể độc diễn mãi.   

Thì đây, dù đã hai mặt con nhưng anh chồng vẫn giữ thói quen thời độc thân, mỗi chiều chủ nhật đàn đúm với bạn nhậu, nại lý do “hưng phấn cho ngày mai đi làm”. Lý lẽ của chồng chẳng hợp lý chút nào nhưng cô vợ vẫn không cãi! Nếu cãi, anh đã ở nhà với vợ con rồi. Lại nữa, nhân sinh nhật nàng, chàng quên béng và chiều đó, tan sở lại bù khú với bạn bè đến “ngất trên cành quất”. Lúc nhớ ra, chàng vội vội vàng vàng về nhà. Lúc đó, vừa hối hận, vừa sợ bị vợ giận dỗi nên anh bèn lanh trí: “Hôm nay, đối tác mời ăn tối em à”. Nghe là biết xạo rồi, quần áo lếch thếch như mọi ngày thì tiếp khách nỗi gì? Thế mà, cô nàng cũng chỉ gật gù: “Ủa? Vậy hả anh” rồi không nói gì thêm. Thái độ “dịu dàng”, “cả tin” ấy vô hình trung khiến anh chồng đâm chán. Biết vậy, ở lại nhậu luôn với bạn bè cho xong! Nếu nàng phản ứng mạnh, chàng sẽ vồn vã có thái độ chuộc lỗi ngay lập tức. Âu cũng là một cách biểu lộ tình cảm dành cho vợ. 

Từ đó, việc chung sống với người nhu nhược quá cũng chẳng thú vị gì. Nhiều anh chồng có những lúc gào lên bức xúc “hãy cãi đi em”. Vậy mà nàng chẳng thèm cãi một câu. Bởi khi cãi chồng là lúc người vợ thể hiện bản lĩnh, tri thức... Cãi không có nghĩa là lao vào “ăn tươi nuốt sống” chồng mà phải biết lý luận, biết phải trái, biết phát ngôn có lý, có tình để phản biện lại ý kiến người khác. Trong cuộc sống gia đình, một khi người vợ không biết cãi, chỉ lẳng lặng, răm rắp làm theo “chỉ đạo” của chồng, riết rồi chồng cũng xem thường. Chuyện gì cũng tự mình “quyết” thì hỏi ý kiến làm gì nữa? “Đồng sàng dị mộng” cũng từ đây mà ra. 

Thế mới thấy, cãi có nghệ thuật cũng là thứ “gia vị” trong đời sống hôn nhân.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.