.

Chuyện lạ ở bệnh viện Đà Lạt: - Bài cuối: Đi tìm thủ phạm

Cập nhật: 08:17, 29/12/2017 (GMT+7)
Con chuột nặng gần 2,5kg, cụt đuôi chính là thủ phạm của vụ việc.
Con chuột nặng gần 2,5kg, cụt đuôi chính là thủ phạm của vụ việc.

Quan sát kỹ, tổ y công mới nhận ra rằng gần bức tường phía sau nhà xác có nhiều cây thông và một trong những cây thông này, có một cành khá dài, vươn đến 2/3 mái ngói. Mấy phút sau, chắc là đã hoàn hồn, anh Minh mới kể chi tiết. Theo anh, đó là một con vật to bằng cỡ bắp đùi người lớn, màu xám đen. Nó di chuyển không nhanh lắm nhưng có sự tính toán. Bằng chứng là nó biết lợi dụng cành thông để leo xuống rồi lúc bị phát hiện, nó cũng biết cách bám vào cành thông để quay lui.

Sáng hôm sau, khi tổ y công trình báo mọi việc cho bác sĩ Mông thì ông xuống tận nơi quan sát, kể cả leo lên chòi, ngồi lại gần 10 phút. Một lát, ông leo xuống hỏi anh Minh: “Nó có đuôi không?”. Anh Minh suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Thưa, hình như không”.

Giám đốc Mông nhìn anh Minh và lập lại câu hỏi: “Anh nhớ thật kỹ đi. Nó có đuôi không. Nếu có, đuôi dài hay ngắn?”.

Anh Minh ấp úng. Có lẽ sự việc xảy ra quá nhanh, quá đột ngột nên anh chỉ nhớ được hình dáng con vật. Không thấy anh Minh trả lời, giám đốc Mông lẩm bẩm như tự nói với chính mình: “Sóc thì không thể to bằng bắp đùi người lớn và phải có đuôi vì cái đuôi làm nhiệm vụ giữ thăng bằng cho nó khi nó leo trèo. Nếu không có đuôi, nó là con gì đây?”.

Cả tổ lại bàn tán, ai cũng nêu ra giả thuyết nhưng tựu trung mọi người đều kết luận rằng thủ phạm gây ra những vụ móc mắt tử thi là một con vật. Anh Thắng, anh Cương đề nghị chặt bỏ cành thông - thậm chí chặt nguyên cây thông để con vật ấy không còn lối vào nhưng giám đốc Mông gạt ngang: “Không! Cứ giữ nguyên. Tôi muốn biết nó là con gì. Chắc chắn nó sẽ trở lại nếu quả thật mắt người là thức ăn của nó. Nếu nó trở lại, tôi muốn các anh xác định nó vào bằng đường nào, ra như thế nào nhưng không được để nó tái diễn cái trò móc mắt...”.

Vậy là tổ y công lại tiếp tục canh gác nhưng lần này thì đỡ sợ hơn. Con vật ấy chắc chắn phải rất tinh ranh vì nếu nhà xác không có xác, nó cũng không xuất hiện. Chỉ đến khi một chiếc xe đò bị lật khi xuống đèo Prenn rồi xác chết đưa về thì họ mới nhìn thấy nó, lần này thấy rõ mồn một.

Vụ lật xe đò khiến 7 người chết ngay tại chỗ. Không đủ bệ chứa, 3 xác phải đặt tạm trên băng ca, để dưới nền nhà còn cửa thì mở rộng. Cả tổ y công thức trắng. Họ bàn nhau nếu người ngồi gác trên chòi phát hiện nó thì tuyệt đối không la hét, mà chỉ cần thả một cục đất nhỏ xuống cho người ngồi ngay dưới chân chòi để thông tin, và người này sẽ truyền lại cho những người khác. Sau đó, im lặng theo dõi cho tới khi nó chuẩn bị móc mắt thì thổi còi đánh đuổi, tiêu diệt.

Gần 3 giờ sáng, anh Cương đang ngồi dựa chân chòi thì một cục đất nhỏ do tổ trưởng Thắng thả xuống, rơi trúng vai anh. Lập tức, anh lấy cây gậy khều nhẹ vào ông Hưng. Ông kể: “Giật mình, tôi cố trấn tĩnh rồi chọc đầu gậy vào lưng anh Minh. Dưới ánh sáng của 4 ngọn đèn trong nhà xác, chúng tôi nhìn thấy từ phía đầu hồi bên trái (ở hai đầu hồi nhà xác đều có một khoảng trống nhỏ hình tam giác, tạo ra giữa hai mái ngói và bức tường, mục đích để thoáng khí), có một con vật rất to, từ khoảng trống ấy bò ngược theo cây “trính” (là cây gỗ lớn đặt giữa mái nhà để những cây “xà dọc” tựa vào, chạy suốt từ đầu này tới đầu kia). Đến giữa chiếc bàn đặt xác đầu tiên tính từ cửa ra vào, nó buông mình xuống, rơi ngay bụng xác chết. Chỉ vài giây sau, nó quay đầu, nghe ngóng rồi chậm rãi từng bước một, đi lên phía mặt tử thi.

Cả tổ y công sững người trước động tác “nhảy dù” của con vật. Anh Cương hét lên: “Đập, đập nó đi”. Anh Thắng từ trên chòi tụt xuống, miệng thổi còi. Phía sau nhà xác, anh Hồng, anh Lâm cũng ào vào. Đang trên bụng xác chết, con vật nghe tiếng hét, tiếng còi, nó nhảy ngay xuống đất và không thể tin vào mắt mình được nữa, những người chứng kiến đều thấy nó bám vào những viên gạch lở lói vôi vữa ở cột nhà, thoăn thoắt leo lên, bò ngược theo cây “trính”, chui ra lỗ trống tam giác lên nóc nhà rồi biến mất trên cành thông.

Nhà xác Bệnh viện Đà Lạt năm 1948.
Nhà xác Bệnh viện Đà Lạt năm 1948.

Nhận được báo cáo của tổ y công, bác sĩ Mông lại xuống. Cuối cùng, ông nhận định: “Như vậy, có thể thấy là con vật này ở đâu đó trong rừng thông phía sau nhà xác. Nó vào nhà xác bằng cách leo lên cây thông, chuyền qua cành tới mái ngói rồi đi theo khoảng trống thông gió. Sau đó, nó bò dọc cây “trính” đến ngay bàn để xác thì buông rơi xuống. Móc mắt ăn xong, nó bám vào cột nhà, trèo lên khoảng thông gió, thoát ra ngoài vẫn bằng đường mái nhà”.

Ngừng lại một lát để tổ y công hình dung ra được điều ông vừa nói, bác sĩ Mông nói tiếp: “Tôi muốn bắt sống nó vì đến lúc này, chúng ta vẫn chưa biết chắc chắn nó là con gì. Theo các anh, bắt bằng cách nào?”.

Mọi người xôn xao bàn tán. Cuối cùng, tất cả thống nhất rằng cần phải giăng lưới ở cả hai bên khoảng trống thông gió ở hai đầu hồi nhà. Lưới phải nhỏ, mảnh để con vật không nhìn thấy. Nhưng cũng phải thật chắc để nó không cắn đứt được.

Hôm sau, mất cả tiếng lựa chọn, rồi thử lưới ở chợ Đà Lạt, anh Thắng, anh Minh mua được 2 tấm lưới nylon “mắt 2” (nghĩa là mỗi mắt lưới hình thoi có cạnh 2cm), dài 8m, rộng 6m. Lưới đem về cũng là lúc nhà xác có xác. Đích thân giám đốc Mông chỉ huy tổ y công giăng cả ở hai phía hồi nhà, đề phòng con vật thay đổi lối đi. Giăng xong, ông Mông còn cho lấy mỡ heo, bôi lên các góc lưới để mất hơi người. Ông dặn: “Hễ nó lọt bẫy thì dù lúc đó mấy giờ các anh cũng phải gọi tôi”.

Lại tiếp tục chờ đợi. Đêm đầu tiên không thấy gì mặc dù nhà xác có một xác chết. Đến đêm thứ hai, đột ngột tiếng còi của anh Thắng huýt lên vội vã. Lập tức, cả tổ y công dùng gậy đập liên tục vào các vách tường. Đúng như họ dự đoán, con vật bất ngờ nên hoảng hốt. Chưa kịp “nhảy dù” lên xác chết thì cả thân hình nó lọt vào tấm lưới. Lúc này, nó vừa kêu như xé vải, vừa vùng vẫy, bốn chân lọt ra khỏi mắt lưới, cào liên hồi vào khoảng không. Dưới ánh đèn tròn và chiếc đèn pin trên tay anh Thắng, nó là một con chuột!

Ông Mông xuống. Thật không thể tưởng tượng một con chuột lại có thể to như thế. Lớp lông trên mình nó nhiều chỗ đã rụng, loang lổ ghẻ lở còn đuôi chỉ là một mẩu ngắn ngủn, trơ trụi lớp da xám xịt. Thảo nào mà anh Minh bảo nó không có đuôi. Nhìn nó một lát, giám đốc Mông đưa khẩu súng săn hai nòng lên bóp cò. Những viên đạn chì xuyên qua mình con vật, đập vào tường, vôi vữa tróc lả tả.

Tổ y công cắt lưới, hạ nó xuống. Nó nặng hơn 2,5kg. Bác sĩ Mông giải thích: “Đây là con chuột già, móng vuốt đã rụng gần hết, răng nó cũng mòn. Có lẽ xưa kia nó từng ăn thịt người chết ở nghĩa trang nào đó nhưng nay nó không còn đủ sức để gặm thủng lớp ván hòm. Người mới chết thì da thịt còn chắc, nó cũng không thể cắn xé nên nó chọn con mắt, là nơi có lớp da mỏng nhất rồi dùng chân móc ra ăn”.

Chuyện con chuột ăn mắt tử thi đến đó là hết. Ông Hưng nói: “Chúng tôi đổ dầu hôi, đốt xác con vật ra tro. Giám đốc Mông cũng ra lệnh chặt bỏ cây thông có cành vươn lên nóc nhà. Cho tới khi tôi nghỉ việc năm 1958, chẳng thấy sự việc gì xảy ra nữa…”.

VŨ CAO
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Hưng)

.
.
.