Bứt phá về giải quyết việc làm
Người lao động tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm lần thứ II-2017 được tổ chức tại TP.Vũng Tàu. |
Bằng những chương trình hành động và giải pháp phù hợp, năm 2017, BR-VT đã có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Trong năm, toàn tỉnh đã có 40.195 lượt lao động được giải quyết việc làm, đạt 129,6 % so với kế hoạch.
ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO NGHỀ
Ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, công tác đào tạo nghề đã sát với thực tiễn, đi sâu vào chất lượng bằng việc gắn với tình hình sản xuất và nhu cầu của DN. Đào tạo nghề hướng tới giải quyết việc làm, chú trọng “đầu ra” đã giúp người lao động (NLĐ) sống được bằng nghề, nhất là đối với lao động nông thôn.
Trong câu chuyện của mình, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) cho biết, sau 3 tháng học nghề du lịch (thuộc Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn) chị có thêm nhiều kỹ năng hữu ích với công việc. Chị Dung kể: “Trước kia, mỗi lần gặp sự cố mình thường rất bối rối. Có lần, mình lỡ tay, làm đổ nước vào người khách nhưng cũng chỉ biết run run, cúi người xin lỗi. Giờ được đào tạo, mình có thể xử lý tình huống tốt hơn. Chẳng hạn, nếu gặp lại sự cố cũ, ngoài việc xin lỗi, mình sẽ nhanh chóng lấy khăn lau và nhẹ nhàng hỏi khách về những yêu cầu thêm để khắc phục sự cố”. Hiện nay, chị Dung đang là nhân viên rất được tin cậy về nghiệp vụ lễ tân tại Khu nghĩ dưỡng Camelina (huyện Xuyên Mộc), mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đang mở ra nhiều cơ hội việc làm ổn định cho lao động, nhất là những lao động phải đào tạo lại. Anh Trương Phú Thọ, công nhân Công ty TNHH Thép tiền chế (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) vốn học nghề cơ khí, song lại được tuyển dụng và được bố trí tạm thời vào vị trí vận hành cẩu trục. Để đáp ứng yêu cầu công việc, anh Thọ tham gia khóa học vận hành cẩu trục cùng 25 học viên khác. Trong vòng 2 tháng, tranh thủ những ngày ra ca, anh Thọ đã hoàn thành khóa học nghề. Không chỉ yên tâm khi có chứng chỉ nghề, anh Thọ còn được công ty bố trí công việc lâu dài với mức lương 5 triệu đồng/tháng; chưa kể, anh Thọ còn được miễn học phí trong suốt quá trình đào tạo.
Người lao động tham gia tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm lần thứ I-2017. Ảnh: ĐÔNG TRÚC |
Để nâng cao công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, năm 2017, Sở LĐTBXH tăng cường đến các cơ sở ký hợp đồng cung ứng lao động, liên kết đào tạo với các công ty, xí nghiệp đào tạo nghề cho công nhân chưa có tay nghề. Hình thức đào tạo nghề ngày càng đa dạng. Năm 2017, có 18.497 lao động được tuyển sinh, đào tạo qua 40 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Phòng dạy nghề (Sở LĐTBXH) cho rằng: “Chương trình đào tạo nghề, nhất là các nghề phi nông nghiệp có sự kết nối với DN và đào tạo dựa trên nhu cầu tuyển lao động của DN. Ngay sau khi học xong lao động có việc làm ngay, không phải chờ đợi. Qúa trình học diễn ra tại nhà máy, phân xưởng nên người học rất thuận lợi khi được làm quen với máy móc, thiết bị. Việc học trên thiết bị, máy móc, phân xưởng giúp học viên rèn luyện kỹ năng, tay nghề nhằm đáp ứng thực tế công việc”.
Người lao động xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) học nghề xây dựng thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
KẾT NỐI CUNG - CẦU LAO ĐỘNG
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, năm 2017 toàn tỉnh có 40.195 lượt lao động được giải quyết việc làm (đạt 129,6%) so với kế hoạch năm. Để tập trung giải quyết việc làm cho lao động, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường gắn kết với DN, cập nhật thường xuyên nhu cầu việc làm để cung cấp thông tin cho NLĐ.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng Phòng Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, năm nay để công tác tuyển dụng phù hợp với thị trường lao động, các DN tham gia tuyển dụng lao động được chọn lọc kỹ hơn. Nội dung, hình thức, tổ chức các phiên giao dịch việc làm được chú trọng, chất lượng sàn giao dịch việc làm đã tạo sự tin cậy đối với NLĐ. Các phiên giao dịch việc làm đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ. Năm 2017, qua 12 phiên giao dịch có 4.900 lao động tham gia tìm việc, trong đó có 18.286 lao động được DN tuyển dụng.
Đánh giá về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2017, ông Nguyễn Duy Hồng cho rằng, BR-VT đã có nhiều đột phá nhằm từng bước giải quyết việc làm cho lao động. Các danh mục đào tạo nghề sát với thực tế. Hình thức đào tạo nghề năm 2017 đa dạng hơn. Ngoài đào tạo chính quy tại cơ sở dạy nghề, việc đào tạo theo yêu cầu DN, chuyển giao công nghệ, mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, đào tạo lưu động tại DN, đồng ruộng, chuồng trại chăn nuôi được tổ chức rộng rãi. Điều này từng bước đầu đáp ứng được nhu cầu học nghề của thanh niên và của nông dân, từng bước gắn với tạo việc làm, chuyển đổi nghề, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng và nhu cầu của thị trường lao động. Qua đó góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo.
Để công tác đào tạo nghề tiếp tục phát huy hiệu quả, năm 2018, ngành LĐTBXH tập trung triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ tỉnh năm 2018”; Đề án “Phát triển nguồn nhân lực dịch vụ Logistics tỉnh BRVT năm 2018”. Đặc biệt là tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên để phát triển trường nghề chất lượng cao; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an…
Tính riêng năm 2017, BR-VT đã đào tạo nghề phi nông nghiệp (nghề hàn, may công nghiệp, giày da, nghiệp vụ buồng bàn…) cho 981 lao động. Có 1.776 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp (trong đó chủ yếu là các nghề trồng lúa, trồng rau sạch, chăn nuôi gà...). |
Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC