Trong đời thường cũng có… cổ tích
Tình cảm yêu thương từ gia đình là cội nguồn của những giá trị tốt đẹp. |
“Con người là cây sậy, yếu ớt nhất giữa thiên nhiên, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ”. Nhiều người tâm đắc với câu nói này của nhà bác học Blaise Pascal (1623-1662). “Cây sậy” ấy, tất nhiên, sức mạnh nằm ở bộ óc biết suy nghĩ để sáng tạo ra những giá trị vật chất lẫn tinh thần nhằm nâng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống…
Cách nay mấy chục năm, khi phi thuyền của Mỹ, Nga thám hiểm mặt trăng, lập tức được ghi nhận là sự tiến bộ tột bật của khoa học kỹ thuật. Ngày nay, bằng bộ óc siêu việt, con người đã có thêm nhiều khám phá mới. Sức mạnh trí tuệ của con người vĩ đại xiết bao. Tuy nhiên, bàn tay có năm ngón, ngón ngắn ngón dài, không phải ai sinh ra đời thì cũng đều sở hữu trí tuệ tuyệt vời ấy. Dù không ngang bằng về trí tuệ, nhưng mỗi con người đều có một sức mạnh lớn lao khác, không thể cân đong đo đếm một cách cụ thể, đó chính là tình yêu thương.
Câu chuyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch Andersen từng làm rung động tâm hồn nhiều thế hệ là một minh chứng.
Trên đường tìm đến nhà thần Chết, bà mẹ gặp nhiều thử thách: hát ru con cho một bà cụ nghe; ôm bụi gai vào lòng, dù gai đâm chảy máu; khóc cho đến khi nước mắt biến thành 2 viên ngọc trai; đánh đổi mái tóc đen láy lấy mái tóc bạc trắng… Cuối cùng, thần Chết đã thấu hiểu được tình yêu thương của người mẹ dành cho con và đồng ý tha mạng cho đứa trẻ.
Với câu chuyện này, cách kể của mỗi người có thể khác nhau một chút, nhưng điều cốt lõi vẫn là tấm lòng yêu thương vô bờ bến của tình mẫu tử.
Không phải ngẫu nhiên nhà văn Nga Pautôpxki nhận định: “Trong mỗi truyện cổ tích cho trẻ con của Andersen còn có một truyện cổ tích khác mà người lớn mới có thể hiểu hết ý nghĩa của nó”. Vâng, ý nghĩa lớn lao ở câu chuyện trên, tôi nghĩ là nó đã chia sẻ với người đọc một nhận thức: Sức mạnh của tình yêu thương vượt lên trên cả cái chết. Mọi sự tăm tối, hủy diệt cũng không thể nào thắng được. Chính sức mạnh đó, dù chỉ là “cây sậy yếu ớt” nhưng con người đã tồn tại và mãi mãi tồn tại trong vũ trụ này.
Vẫn ý thức như vậy nhưng cuộc sống mỗi ngày, dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải tiếp nhận những thông tin “chẳng ra làm sao”. Vì thế, đôi lúc ta cảm thấy bi quan, tiêu cực và tự hỏi: “Chẳng lẽ đạo đức, đạo lý làm người lại “tụt dốc” đến thế ư?”. Không hẳn. Nhưng cách tốt nhất để gìn giữ, duy trì và phát huy những giá trị tốt đẹp nhất phải bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ, từ gia đình - một “pháo đài”, một “rào cản” cần thiết để che chắn gió độc tác động ở phía bên ngoài. Nhờ thế, có những mẩu chuyện, dù nhỏ nhưng không gì có thể xóa đi tình cảm đã tạo dựng từ gia đình. Chẳng hạn, thuở nhỏ, tôi học bài Học thuộc lòng trong sách giáo khoa mà càng lớn, lúc đã có tuổi, mỗi lần nhớ lại, vẫn thấy ấm áp tự đáy lòng:
“Khoa lấy gói kẹo giơ lên trước mặt các cháu. Chàng hỏi Hải: “Cháu lên mấy?”. “Thưa chú, cháu lên tám ạ”. “Được rồi, lên tám thì tám cái”. Vừa nói, chàng nghiêng gói kẹo đổ ra hai bàn tay tí hon của Hải. “Bây giờ đến lượt Hồng mấy tuổi?”. Hồng đứng im, nước mắt chảy quanh, vì nó biết mới lên năm thì sẽ chỉ được có năm cái kẹo. Người mẹ thấy thế mắng: “Hồng hư lắm nhé!”. Khoa vội bênh cháu: “Hồng ngoan nhất nhà mà! Năm nay, Hồng lên năm phải không? Lên năm thì được mười cái. Hai lần năm là mười mà lại”. Hồng tươi ngay nét mặt và chìa tay ra đón lấy kẹo, khiến ai nấy phải bật cười”.
Câu chuyện này, tôi nghĩ vẫn đồng hành cùng các thành viên trong gia đình thời hiện đại đấy chứ? Tin thế, nghĩ thế, để thấy lòng yêu thương của con người luôn mãi mãi tồn tại. Lòng yêu thương đó, ai ai cũng được quyền sở hữu và phát huy giá trị tích cực của nó bằng nhận thức và sự mách bảo của trái tim mình.
LƯU LIÊN ANH