.

Hai chuyến tàu

Cập nhật: 09:10, 12/01/2018 (GMT+7)

Đêm trăng sáng, bóng trăng tròn vành vạnh treo trên ngọn cây chiếu sáng cả một vùng đồng nước u huyền. Ngọn gió thẽ thọt lùa vào trong nhà mang theo mùi bùn non ngầy ngậy. Lạnh. Nga vào buồng lấy thêm cái áo khoác tròng vào rồi lên cái chõng tre ngồi bó gối tựa lưng vào vách. Khuya nay nước lớn, con nước mười sáu êm ả trôi về rào rạt ngoài nhánh sông nhỏ trước nhà. Nước róc rách qua rễ thở của cội bần, cội mắm mọc gie ra mặt sông, như trăm ngàn cánh tay bám vào nhau bao năm gìn giữ đất bờ.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Lộc ngồi trên ghế, vừa rít thuốc vừa rê mắt về phía Nga, Lộc thở dài rồi giục:

- Thôi, em đi ngủ đi, để sớm mai còn kịp bắt chuyến xe sớm lên đường.

Nga vẫn ngồi đó hong tóc. Chốc chốc, Nga lại đưa tay dụi mắt. Không biết Nga đang khóc hay tại gió lùa vào, hay có con bồ mắt nào chui vào đôi mắt Nga khiến nó đỏ hoe, ươn ướt. Một thoáng im lặng, Nga quay mặt về phía Lộc, nói khẽ:

- Em làm như vậy có đúng hay không hả anh?

Lộc đứng dậy, chậm rãi bước đến ngồi mớm ở mép chõng. Anh nắm lấy bàn tay xương xẩu của Nga. Bàn tay mấy mùa nắng mưa nhọc nhằn trên cánh đồng năm cũ. Bàn tay đã từng chênh vênh trong đoạn đầu cuộc đời cho đến khi nắm lấy tay Lộc, buông bỏ đau thương để nắm lấy bình an và hạnh phúc, dẫu là tạm bợ. Lộc nói với Nga bằng giọng trầm khàn:

- Nga à! Em có lựa chọn riêng cho mình, em còn gia đình, còn quê hương, đâu thể mãi phiêu bạt chốn này để xa lìa nguồn cội?

Nga khóc. Giọt nước mắt Nga lăn dài trên đôi gò má sạm nắng. Lộc di di bàn tay chai sần lau giọt nước mắt cho Nga. Bất giác, Lộc kéo Nga tựa đầu vào vai mình. Bờ vai cưu mang và chở che Nga qua những ngày giông bão. Lộc và Nga chọn cuộc sống có nhau, chung một mái nhà, đón đợi nhau trong những chiều đồng quê tĩnh vắng.

***

Đến tận bây giờ, Nga vẫn không thể nào quên cái ngày mình rời quê hương miền Trung nắng gió. Hành lý của Nga chỉ có chiếc giỏ, bên trong đựng mấy bộ quần áo và ít tiền đi đường. Ngày Nga đi, gió lạnh. Hình như gió thổi mạnh hơn bây giờ khiến tim Nga liêu xiêu trong một sớm mai sương đẫm. Đợi tàu. Nhà ga nằm giữa thị trấn nhỏ trên đường tàu, bên này đường sắt là bức tường rêu đổ nắng, bên kia là khoảng đất trống lau sậy mọc đầy. Những ngọn lau trắng muốt, gió lay la đà, màu xanh tít tắp tận chân trời. Nga đứng một mình mà lòng cũng bời bời như gió. Tâm trạng bộn bề. Nga lưng chừng giữa hai miền cảm xúc, nửa mong tàu mau đến để rời bỏ vùng quê đọng lại trong lòng những ký ức buồn đau, nửa lại dùng dằng nói khẽ với lòng: “Tàu ơi, chạy chậm thêm chút nữa!”. Để làm gì? Mắt Nga cứ dõi về con đường nhỏ, hy vọng mong manh sẽ nhìn thấy bóng dáng người đàn ông mấy năm chăn gối nghĩa tình, tay dắt theo đứa trẻ vội vã chạy đến để giữ Nga ở lại. Nhưng không, phía đồng vẫn bặt tăm. Chỉ có cánh chim trời rập rờn trong buổi sớm tinh mơ. Làng xa xa, những mái nhà nằm im lìm dưới vòm trời màu mỡ gà héo úa. Tàu đến. Tiếng còi dài xé toạc bình minh. Tiếng bánh xe lạo xạo trên hai thanh đường sắt chạy song song cùng nhau chứ chẳng thể chạm vào nhau dù một lần trong cuộc đời. Tàu đỗ tại ga Diêu Trì. Ga vắng, chỉ một người đàn ông bước xuống mua ít đồ, rít vội điếu thuốc, hít thở khí quê trong lành rồi lại lên xe. Tàu hú lên một tiếng rồi chuyển bánh xuôi chạy về miền Nam. Nga ngồi cạnh cửa sổ. Qua khung kính, cảnh vật trôi tuột về phía sau. Nga nhắm mắt, giọt nước mắt lăn dài…

***

Nga cứ nhớ mãi cái ngày Hinh ghẻ lạnh Nga, dửng dưng nhìn Nga ôm gói rời khỏi căn nhà thân thuộc. Cơn say biến Hinh thành một người hoàn toàn khác. Anh không tiếc lời xỉ vả, chửi đánh Nga. Hinh ghen hờn, Hinh bảo Nga dan díu với người tình cũ. Nga đau đến nghẹn lòng, Nga ôm con mà mắt ầng ậng nước. Nga tìm mọi lời lẽ giải thích mà Hinh không nghe, mắt anh vằn lên những đường gân màu đỏ. Trong cơn nóng giận, anh thẳng tay tát lên gò má của người vợ tội nghiệp. Bạt tay ấy, thịt da đau ít mà con tim đau nhiều. Bạt tay của Hinh cắt đứt tình nghĩa vợ chồng mấy năm chung sống, giết cả những hy vọng về một gia đình hạnh phúc đang le lói trong lòng Nga. Nga bảo: “Em đi”. Hinh quyết định giữ lại đứa nhỏ. Lần cuối cùng Nga được bế con là đêm cuối cùng Nga ở lại nhà. Nhìn nó áp mặt vào bầu sữa nóng, nước mắt Nga tuôn dài trên khuôn mặt bầu bĩnh của con. Nga hát ru, vẫn bài dân ca quen quen bằng giọng miền Trung đau đáu nghĩa tình: “Chiều chiều dắt mẹ, dắt mẹ - Tà là đèo qua đèo, tà là đèo qua đèo - Chim kêu, chim kêu tình như bên nớ - Ủy ỏa chi rứa chi rứa hỡi ơi vượn trèo - Vượn trèo tà là ni bên ni, tà là ni bên ni - Ơi hỡi vượn trèo tà là ni bên ni”…

***

Đêm ấy, Nga không ngủ được. Nga với Lộc ngồi bên nhau, gió rít, tiếng thổn thức cõi lòng. Nga ngậm ngùi:

- Nhanh quá, anh nhỉ? Mới đó thôi mà đã sáu năm rồi!

- Ừ, nhanh thiệt! Nhớ lần đầu gặp em, chuyến tàu năm cũ từ miền Trung chạy về dừng lại ở ga Cỏ Xước. Anh gánh lúa về ngang thấy em đứng một mình, lại hỏi có mấy câu mà nên vợ nên chồng, rồi sống với nhau đến tận bây giờ.

Nghe Lộc nói, nước mắt Nga lại ứa ra từng đợt. Nga chùi ướt cả vạt áo bà ba. Mấy năm sống ở miền Nam, uống nước miền Nam, giọng của Nga cũng dần thay đổi. Cuộc đời Nga vắt ngang hai miền thương nhớ. Nga nhắm mắt. Đêm quê sao yên ắng quá, thi thoảng có tiếng ếch nhái kêu oải oạp trong màn đêm tịch mịch, mơ màng. Lâu lâu lại có tiếng tàu chạy về qua đường sắt, Nga ngó mặt qua cửa sổ, nhìn nhìn rồi bảo:

- Chắc tàu về từ miền Trung,

anh nhỉ?

- Ừ, chắc vậy - Lộc khẽ đáp.

Miền Trung, nơi có gia đình nhỏ của Nga trong đoạn đời trước đó. Nơi đó có Hinh, có đứa con đã sáu năm Nga chưa gặp lại một lần. Nhớ đến đứt ruột. Nga nghĩ chắc bây giờ nó lớn lắm. Mà không biết nó có còn nhận ra Nga nữa hay không. Thuở Nga đi nó còn tấm bé, còn bú mớm, còn nằm nôi.

Hôm nhận được lá thư của Hinh, Nga đã khóc. Hinh đã tìm được địa chỉ của Nga. Hinh gửi thư nói lời xin lỗi. Trong thư, Hinh viết: “…Về đi em, về với con, với anh. Con nhớ em nhiều lắm. Anh xin lỗi…”. Nga đọc thư mà đau xé lòng. Ở quê có giọt máu Nga gửi lại, bây giờ khôn lớn, chạy nhảy nói cười. Ở quê, đã qua rồi những ký ức đau thương, chỉ còn lại là tấm lòng bao dung, sự ân hận và khát vọng đoàn viên hàn gắn gia đình. Nga nhìn Lộc, anh không nói gì. Đôi mắt anh u buồn như trời chiều ngả bóng. Sau những đêm khắc khoải, một chiều cuối năm, Lộc ngồi sau nhà múc nước bưởi xối lên mái tóc để Nga gội đầu, nói khẽ:

- Về đi em, về với chồng, với con.

Nga chưng hửng:

- Còn anh?

- Anh… chỉ là tạm bợ. Gia đình mới là vĩnh hằng em à!

Nga gục mặt vào ngực Lộc, mặc cho nước bưởi chảy ròng ròng lên khuôn ngực nâu trần, rắn chắc của anh.

Tàu đến, tàu đi. Mấy mùa hoa cỏ…

Đêm cuối cùng ở lại miền Nam, Nga dành trọn cho Lộc. Đêm sao ngắn quá! Gà gáy mấy chập mà đã hừng sáng. Dường như cuộc chia ly nào cũng chóng đến, dẫu người ta khát khao đến cháy bỏng thời gian ngưng đọng để được thêm khoảnh khắc bên nhau. Lộc rời chõng, đi vào buồng soạn đồ đạc cho Nga, hôn lên trán Nga những nụ hôn thật sâu, thật lâu, để Nga an lòng hồi cố hương.

Buổi sáng hôm ấy, Lộc tiễn Nga ra tận ga. Lộc nhìn Nga, cười, dẫu chỉ là gượng gạo:

- Đi bình an, nghe em!

Nga cúi mặt giấu đôi dòng nước mắt. Lộc gặp Nga lần đầu cũng tại nhà ga này, tàu xuôi về miền Nam. Lần cuối, Lộc tiễn Nga ra ga, tàu ngược về miền Trung. Một nhà ga mà chứng kiến hai cuộc đón đưa trái ngược: đến u buồn, về bình an; tạm bợ và vĩnh viễn.

Tàu đến, Nga dùng dằng buông tay Lộc rồi bước lên. Qua khung cửa kính, Nga thấy bóng Lộc nhìn theo, bàn tay vẫy vẫy cho đến khi khuất hẳn.

Lộc đứng lặng trên bãi cỏ. Đồng mênh mông, buổi sáng vẫn như mọi khi, nhưng hôm nay không có Nga, lòng Lộc trống trải. Nhưng anh không buồn, bởi trong thâm tâm, anh luôn mong Nga hạnh phúc.

Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY

.
.
.