Sống chậm
Đôi lúc, con người ta cảm thấy mình mới là nhân vật quan trọng nhất, dù rằng, chẳng là “cái đinh” gì so với cả guồng máy xã hội đang vận động.
Chẳng hạn, anh bảo vệ, danh phận “bình thường thôi” lại nghĩ, nếu không có anh, biết đâu tòa nhà của công ty bị kẻ trộm đột nhập? Chị giám đốc, đứng đầu một công sở lại nghĩ nếu đến trễ hoặc vắng mặt, liệu các nhân sự có làm việc hay chỉ đàn đúm tán gẫu? Ngay cả người giúp việc cũng tự nhủ, nếu không có bàn tay khéo léo của mình, liệu vợ chồng con cái chủ nhà có bữa ăn ngon miệng, đầy đủ dưỡng chất? Tóm lại, ai cũng nghĩ công việc của mình là quan trọng nhất.
Đành rằng, ai cũng có vai trò, có công việc nhưng hễ ai hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng đều đáng khen như nhau. Chỉ có người xấu chứ không có nghề xấu. Một công nhân quét rác chu toàn công việc, khác gì một giám đốc “ăn nên làm ra”, đủ sức trả lương cho hàng trăm nhân viên? Ai cũng đóng góp công sức cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Nhưng rồi, thiên hạ có chịu nghĩ thế đâu. Điều này dễ dàng nhận ra nhất là lúc lưu thông trên đường phố. Dòng người nườm nượp phóng xe chạy, chẳng ai thèm nhường nhịn ai. Dù đang đèn đỏ nhưng vẫn có người cố vượt lên, băng qua cho bằng được, hành động đó dĩ nhiên “trái tai gai mắt” nhưng họ lại bào chữa, công việc của mình quan trọng nhất nên cần phải tăng tốc, thậm chí bất chấp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Những lúc kẹt xe, mấy ai bình tâm nhường đường cho người khác? Mấy ai nghĩ rằng, những người xa lạ kia mới cần được ưu tiên vì biết đâu vợ bệnh, con đau đang chờ họ đưa đi cấp cứu? Hoặc biết đâu, họ đang có một cuộc họp cực kỳ quan trọng, cần phải có mặt đúng giờ, nếu không sẽ mất việc v.v… Nghĩ thế, bèn nhẹ nhàng nhường đường cho họ. Dù rằng, suy nghĩ ấy có trúng hay không nhưng tự dưng cảm thấy nhẹ lòng vì mình đã làm được một việc tốt.
Minh họa của MINH SƠN. |
Nếu không có suy nghĩ độ lượng ấy, cứ nghĩ rằng, công việc của mình là quan trọng nhất, không thể chậm trễ dù một giây nên bằng mọi cách luồn lách cho bằng được, kể cả phóng xe lên lề đường, chèn đầu xe người này, húc đuôi xe người kia với những câu quát tháo “đằng đằng sát khí”. Vâng, nếu chẳng ai chịu nhường nhịn ai, cả ngã tư, ngã ba, ngã bảy… lập tức tắc nghẽn cùng những tiếng cằn nhằn, tranh cãi loạn xạ.
Đôi khi con người ta tự làm khổ mình, chỉ vì nghĩ về mình nhiều quá. Nghĩ vì mình quá nhiều nên không kìm được cái tính hiếu thắng. Tính xấu ấy, thể hiện ở chỗ mình là nhất nên phải giành “được việc” trong bất kỳ tình huống nào.
Tôi biết có những người, dù chôn chân lúc kẹt xe; hoặc bị thiên hạ chen lấn tranh giành lấy vị trí phía trước nhưng vẫn bình thản như không. Những người đó thừa thãi thời gian chăng? Không, họ cũng đang sốt ruột, đang nóng lòng nhưng rồi họ không tranh giành với ai vì… trong đầu đang nghĩ đến chuyện khác tích cực hơn.
Anh bạn tôi là một nghệ sĩ nổi tiếng, có lần tiết lộ “bí kíp”: khi rơi vào trong các trường hợp ấy, anh “hóa giải” bằng cách quan sát gương mặt, động tác, thái độ của mọi người chung quanh với đủ các gam màu hỉ, nộ, ái, ố. Nhờ vậy, anh đã vận dụng vào các vai diễn “có hồn” hơn, thuyết phục khán giả hơn. Nếu lúc ấy, anh cũng chăm chăm tìm cách vượt lên như mọi người, làm sao có thể quan sát được gì khác?
Lại có chuyện này: Vào một buổi chiều đẹp trời, ông giám đốc xuống kiểm tra phân xưởng chế tạo đồ gỗ, chẳng may, ông đánh rơi chiếc đồng hồ không chỉ đắt giá mà còn là kỷ vật của người vợ. Giúp ông, các công nhân lao vào tìm kiếm, biết đâu còn là cơ hội “lấy lòng” sếp. Trong lúc đó, cô phục vụ vẫn đứng yên quan sát mọi người, chẳng tỏ ra sốt ruột gì cả. Qua giờ ngọ, ai nấy đều thở dài thất vọng, họ đi ăn trưa và dự định sẽ quay về tìm kiếm lần nữa. Lúc quay về, họ ngạc nhiên khi biết cô phục vụ đã tìm ra chiếc đồng hồ. “Bằng cách nào vậy?”, mọi người nhao nhao hỏi. Cô mỉm cười: “Bí quyết của tôi đơn giản lắm. Tôi không hấp tấp vội vàng gì cả, vì cần được lắng nghe. Tôi nằm xuống đất rồi lắng tai nghe. Cuối cùng, tôi đã nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ từ đống mạt cưa”.
Đôi khi, tự mình biết chậm lại, biết tách ra khỏi sự xô bồ nhốn nháo lại phát hiện ra lắm điều lý thú. Biết chậm lại một giây, dễ hay khó? Qua báo chí, chúng ta giật mình khi biết đến con số người chết vì tai nạn giao thông năm 2017 là gần 8.300 người. Có nhiều nguyên nhân được mổ xẻ, phân tích, trong đó sự nguy hiểm được cảnh báo nhiều nhất vẫn là “phóng nhanh vượt ẩu”.
Ôi, nếu mỗi chúng ta đều tự nhắc nhở: “thà chậm một giây”, cuộc đời đã tốt đẹp hơn, phải không?
LÊ MINH QUỐC