.
CÂU CHUYỆN VĂN HÓA:

Chớ làm biến tướng các cuộc thi sắc đẹp

Cập nhật: 08:29, 12/01/2018 (GMT+7)

Nếu như trước đây, khán giả chỉ biết đến những cuộc thi hàng đầu về sắc đẹp như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất và một vài cuộc thi hoa khôi khác thì giờ đây, khán giả không thể nhớ hết tên các cuộc thi, bởi chúng được tổ chức quá nhiều. Ngoài cuộc thi Hoa hậu Biển còn có cuộc thi Hoa hậu Đại dương; bên cạnh Hoa hậu Thế giới là Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Liên lục địa; đã có Hoa hậu Trái đất còn có Hoa hậu Hành tinh; song song với Hoa hậu Hoàn vũ là Hoa hậu Hoàn cầu… Ngoài ra, hàng loạt cuộc thi sắc đẹp khác cũng được tổ chức như: Hoa hậu Hòa bình thế giới, Hoa hậu Du lịch thế giới… 

Nhìn nhận một cách công bằng thì các cuộc thi sắc đẹp đã nâng cao được kỹ năng ứng xử của các người đẹp trước đám đông, giúp họ hoàn thiện mình hơn về sắc vóc. Đơn cử, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017, ngoài sắc đẹp và trí tuệ, tài năng cũng là yếu tố góp phần điểm tô hình ảnh một người phụ nữ hiện đại. Vì thế, phần thi phụ “Người đẹp tài năng” nhằm chứng tỏ bản lĩnh, sự riêng biệt của từng người đẹp khi đòi hỏi thí sinh phải giỏi nhiều lĩnh vực như: múa, hát, nhảy, đánh võ, đàn… 

Khi đoạt vương miện, người đẹp trở nên nổi tiếng và tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng. Nhiều hoa hậu/người đẹp trở thành gương mặt đại diện, tham gia hoạt động từ thiện, sử dụng những gì mình đã nhận được để cho đi hoặc theo đuổi đam mê của bản thân. Bên cạnh đó, các người đẹp đại diện Việt Nam tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Vì vậy, cử chỉ, hành động, phát ngôn không đúng mực của các người đẹp cũng luôn bị công chúng để ý, phê phán.

Bà Võ Thị Xuân Trang, Hiệu trưởng Trường John Robert Power Việt Nam, giám khảo nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước (Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam) cho rằng: “Thi sắc đẹp là một hoạt động văn hóa, giúp định hình cho các cô gái trẻ về thời trang, phong cách và sự tự tin. Đó cũng là những yếu tố cần thiết cho phụ nữ trong xã hội chứ không chỉ khi đi thi hoa hậu”. Tuy nhiên, nhà văn Chu Thơm cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều cô gái muốn đi thi hoa hậu để tiến thân, kiếm tiền. Vì sao vậy, vì họ bị cám dỗ bởi sự nổi tiếng, giàu có. Nếu không có tài năng, bản lĩnh mà chỉ dùng sắc đẹp để tiến thân thì tôi e sẽ khó bền”. Phát ngôn trên của nhà văn Chu Thơm xuất phát từ thực tế, một số cô gái có sắc đẹp thời nay đã gắn liền với công thức: thi hoa hậu/hoa khôi để tìm “đại gia” chống lưng, để đổi đời, để trở thành “nữ hoàng sự kiện” chứ không còn gắn với những ý nghĩa cao đẹp như trước đây là hoạt động vì cộng đồng.

Bên cạnh đó, sự nở rộ của các cuộc thi sắc đẹp cũng khiến chất lượng thí sinh giảm đi, thậm chí một số người còn bị nghi ngờ phẫu thuật thẩm mỹ, mua giải... vì nhan sắc chỉ ở mức trung bình. Đơn cử, người chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Đại dương năm 2017 - Lê Âu Ngân Anh - đã tạo ra nhiều tranh cãi trái chiều về dung mạo. 

Thi sắc đẹp là một hoạt động văn hóa lành mạnh nhưng hãy để nó mang những ý nghĩa tốt đẹp như vốn có, đừng thương mại hóa hay biến tướng để mang tiếng xấu cho các người đẹp và chính những người tổ chức.

VŨ THANH HOA 

.
.
.