.

Nhạc trẻ - làn gió mới trong đời sống âm nhạc

Cập nhật: 11:11, 05/01/2018 (GMT+7)

Nhà bác học Charles Darwin gọi âm nhạc là: “Điều bí ẩn nhất mà nhân loại được ban tặng”. Thật vậy, âm nhạc luôn tồn tại như một dòng chảy bất tận từ thế hệ này đến thế hệ khác, đủ mọi cung bậc, sắc màu, là lĩnh vực thường xuyên được quan tâm, tranh luận.

DẦN KHẲNG ĐỊNH CHỖ ĐỨNG

Khái niệm “Nhạc trẻ” xuất hiện ở Việt Nam từ đầu thập niên 1960, ảnh hưởng bởi âm nhạc đương đại của châu Âu và Mỹ. Các bài hát nhạc trẻ thời đó thường là giai điệu đơn giản, dễ nhớ, điệu Chachacha, Disco, Twist, thậm chí Fox, Tango (các nhạc sĩ nhạc nhẹ trong nước thập niên 1980 cũng hay sử dụng các điệu này), rất ít rock và pop ballad, khác với nhạc trẻ hiện đại ảnh hưởng nhiều của Pop và Rock. Sau thập niên 2000, những khái niệm mới xuất hiện như âm nhạc đương đại, nhạc thị trường, dân gian đương đại... Lúc này, nhạc trẻ (nhạc nhẹ) đã trở thành một khái niệm lớn, dành để chỉ âm nhạc quần chúng và là một trong 3 mảng lớn của thanh nhạc Việt Nam hiện nay (ca khúc thính phòng, nhạc mang âm hưởng dân gian, nhạc nhẹ). Âm nhạc hội nhập nhiều hơn với thế giới, ngoài Pop Ballad, Rock mang tính đại chúng, có cả nhạc Jazz/Blues...

Đôi khi, người ta vẫn lẫn lộn giữa khái niệm “nhạc trẻ” và “nhạc thị trường”, “nhạc teen” và cho là “một phường dễ dãi, thô thiển, sáo rỗng và bắt chước Âu, Mỹ, Hàn Quốc một cách sống sượng, vụng về”. Thực tế cho thấy, nhạc trẻ Việt đang có một sự chuyển mình, sự biến đổi và tất nhiên là trong bất cứ sự chuyển động nào cũng cần mang theo sự kế thừa và đột phá. Về cả hai mặt này, nhạc trẻ Việt vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng. Tuy vậy, nếu nhìn ở góc độ lạc quan, thì chính sự rối ren, hỗn độn với những thử nghiệm mới mẻ vẫn đáng mừng hơn là một thị trường nhạc phẳng lặng, đơn điệu với những giá trị, những thành công đã cũ mòn.

Nhạc trẻ cũng đã mang lại một làn gió mới cho đời sống âm nhạc Việt Nam nói chung và làm nên một số tên tuổi nhất định. Trong giai đoạn vàng thau lẫn lộn, trong số nhiều bài hát giải trí nặng tính thị trường, vẫn có những tác phẩm được đánh giá cao, khiến cho không chỉ giới trẻ, mà cả những người lớn tuổi cũng quan tâm, ủng hộ. Thế hệ nhạc sĩ trẻ của Vpop (nhạc trẻ Việt) ngoài khả năng sáng tác, họ đều có giọng hát khá tốt như: Khắc Việt, Sơn Tùng M-TP, Vũ Cát Tường, Tiên Cookie, Mr.Siro, Châu Đăng Khoa, Phạm Toàn Thắng... Nhờ lợi thế này, họ có thể đem các ca khúc của mình đến khán giả một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn. Thêm nữa, thời đại công nghệ số cùng sự nở rộ của các trang nhạc trực tuyến, các bảng xếp hạng với sự bầu chọn của người nghe cũng đòi hỏi khắt khe hơn, cạnh tranh hơn về chất lượng và số lượng. Các tác phẩm của các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ, do đó ngay lập tức được thẩm định về giá trị từ hình thức trình bày, hòa âm phối khí, ca từ... và “tuổi thọ” dài hay ngắn. Hiện tại, nhạc trẻ Việt Nam đã có chỗ đứng tương đối vững chắc trong lòng công chúng, cùng đội ngũ những nhạc sĩ, ca sĩ  ghi được một số dấu ấn và có một lượng người hâm mộ trẻ hùng hậu, luôn ủng hộ cuồng nhiệt.

Sơn Tùng M-TP ngày càng khẳng định vị trí của mình trong nhạc trẻ Việt.
Sơn Tùng M-TP ngày càng khẳng định vị trí của mình trong nhạc trẻ Việt.

TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG

Tuy vậy, nhạc trẻ Việt vẫn còn ở rất xa so với mặt bằng âm nhạc thế giới và chưa có những bước đi vững chãi, một tư thế mạnh mẽ để thực sự thuyết phục về mặt chuyên môn cũng như những lợi ích kinh tế mà nó hướng tới.

Ca sĩ Khánh Ly từng nói: “Thời của tôi đã qua”, đó là cách nhìn của một ngôi sao lớn bởi không phải ai cũng nhìn nhận về “thời” của mình đơn giản như chị. Viết đến đây, tôi nhớ đến câu hát: “Ngày mai rồi mình cũng già/không thể nào níu lại nữa” (Rồi cũng già - nhạc sĩ Vũ Thành An). Dù muốn hay không thì nền âm nhạc Việt cũng cần phải có một thế hệ tiếp nối. Do sinh sau năm 1975, khi mà cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã kết thúc, nên sáng tác của những người trẻ Việt thiên về tự sự, toát lên nét trong trẻo, đôi khi quá đơn giản đến mức ngây ngô; trong những tác phẩm của họ không hề bắt gặp sự “gồng mình” giục giã và nhiều khi cứng nhắc của dòng nhạc “đỏ”. Và ở đó, người nghe cũng không thấy sự ủy mị, não nề của dòng nhạc “vàng” và nhiều ảnh hưởng của các nền âm nhạc trong thế giới phẳng.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San nhận xét: “Những nhạc sĩ trẻ có thể có học hành chính quy, được trang bị nhiều kiến thức âm nhạc trong nhà trường hơn các thế hệ trước, nhưng điều quan trọng nhất tạo nên giá trị của tác phẩm âm nhạc là vận dụng ngôn ngữ âm nhạc dân tộc để chuyển tải những tình cảm lớn của dân tộc, đất nước thì họ chưa làm được…”. Còn theo nhạc sĩ Vũ Tự Lân: “Dù rằng, trong đời sống âm nhạc trẻ hiện nay vẫn còn những ca khúc bị coi là nhảm nhí, những xu hướng sáng tác chưa thực sự gần gũi, phù hợp với người nghe nhạc Việt, nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, sự xuất hiện ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ có năng lực là dấu hiệu đáng mừng cho nền âm nhạc.

Nhìn vào bảng xếp hạng các ca khúc với lượt nghe nhiều nhất trong năm 2017 của Zing MP3, có thể thấy thị hiếu giới trẻ vẫn xoay quanh chủ yếu là các bản ballad nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng xu hướng nhạc cũng bắt đầu chuyển dịch dần về những sáng tạo và thử nghiệm mới. Khán giả đã bắt kịp với sự phát triển của âm nhạc thế giới, nhưng họ cũng tìm về các giá trị tinh hoa dân tộc, ủng hộ các ca khúc có yếu tố dân gian, truyền thống.

Chúng ta vẫn luôn hy vọng một ngày mai tươi sáng cho nhạc trẻ Việt cùng những nghệ sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, tài năng và sáng tạo để bức tranh âm nhạc Việt Nam ngày thêm rực rỡ sắc màu.

VŨ THANH HOA

.
.
.