Tìm "đầu ra" cho tác phẩm văn học nghệ thuật
Mỗi năm, các hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh (VH-NT) sáng tác hàng trăm tác phẩm thuộc các thể loại văn học và âm nhạc. Ngoài một số ít người năng động, tự tìm “đầu ra” cho tác phẩm, phần đông nghệ sĩ đều gặp khó trong việc đưa “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng.
NHIỀU CÁCH QUẢNG BÁ TÁC PHẨM
Khách xem triển lãm tranh của họa sĩ Văn Ngọc tại khách sạn Bưu Điện, TP.Vũng Tàu tháng 5-2017. |
“Nét nhạc anh tìm ẩn sâu trong mắt em/Long lanh như sương nồng nàn như nắng/Anh sẽ thấy những âm thanh thật lạ/Khi tìm nét nhạc nào trong đôi mắt em…” là những ca từ mượt mà trong ca khúc “Nét nhạc viết dở” (thơ: Đào Phi Hương, do nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang, hội viên Hội VH-NT tỉnh phổ nhạc). Tác phẩm được nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang giới thiệu trên trang facebook cá nhân, trang nghe nhạc trực tuyến mp3.zing.vn và Youtube từ cuối năm 2016. Đến ngày 10-1, trên mp3.zing.vn, bài hát này đã có hơn 56.000 lượt nghe.
Nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang cho biết, từ năm 2014, ông bắt đầu phổ nhạc các bài thơ của bạn bè. Đến nay, ông đã phổ được khoảng hơn 200 bài thơ. Không có điều kiện ra đĩa, ông giới thiệu đến công chúng qua trang facebook cá nhân và các trang nghe nhạc trực tuyến. Trong đó, một số ca khúc mới ông đưa lên đã được bạn bè, trang mạng khác chia sẻ, góp phần gia tăng số lượng người nghe. Điển hình, ca khúc “Mộc miên thắm lối em về” đăng ngày 27-12-2017 trên trang Tin tức Hà Tĩnh, đến nay đã có 21.000 lượt nghe. Với một nhạc sĩ không chuyên, lại không có nhiều điều kiện để quảng bá, giới thiệu tác phẩm, con số người nghe của 2 tác phẩm trên đã là điều đáng khích lệ.
Tương tự, nhạc sĩ Mạnh Hùng cũng thường xuyên giới thiệu ca khúc của mình lên trang mạng facebook cá nhân. Nhạc sĩ Thiên Toàn cũng tự hòa âm, phối khí, đăng tải các nhạc phẩm của mình lên trang nghe nhạc trực tuyến mp3.zing.vn và trang facebook cá nhân. Các tác phẩm của ông cũng nhận được sự tương tác thường xuyên từ khán giả. Theo nhạc sĩ Thiên Toàn, một số nhạc sĩ có điều kiện thì tự hòa âm, phối khí, thuê ca sĩ thu âm để giới thiệu, quảng bá tác phẩm. Tuy nhiên, phần lớn nhạc sĩ là hội viên Hội VH-NT tỉnh gặp khó khăn về kinh phí nên sáng tác ra rồi cũng chỉ để đó, không có điều kiện phổ biến tác phẩm, là điều rất đáng tiếc.
Khác với các nhạc sĩ trên, nhạc sĩ Hoàng Lương, Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh lại thông qua các chương trình liên hoan, cuộc thi văn nghệ hoặc qua các đài phát thanh-truyền hình để giới thiệu các sáng tác của mình đến với khán, thính giả. Ngoài ra, ông còn tham gia dạy nhạc, biên tập các chương trình văn nghệ quần chúng để có kinh phí trang trải cho việc thu âm, phát hành ca khúc mới của mình. Trong lĩnh vực hội họa, các họa sĩ như Mai Tuấn, Văn Ngọc… cũng tự tổ chức triển lãm tranh.
HỘI VH-NT PHẢI LÀ CẦU NỐI
Tuy nhiên, trên thực tế, số nghệ sĩ có khả năng tự quảng bá, giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng còn quá ít, còn lại phần đông nghệ sĩ chưa tìm được đường đi cho những “đứa con tinh thần” của mình. Điều này lý giải vì sao những bài thơ hoặc các bài hát của các nghệ sĩ địa phương vẫn còn khá xa lạ với khán giả.
Nhà thơ Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh cho biết, tác giả truyện ngắn, tản văn hay thường được các nhà sách, nhà xuất bản săn đón, chào mời in ấn và bao tiêu đầu ra. Riêng thể loại thơ gặp khó khăn hơn và phần nhiều chờ được đăng trên các Tạp chí Văn nghệ của Hội. Số lượng sáng tác thơ thì nhiều, trong khi mỗi năm Tạp chí chỉ phát hành được 6 số, mỗi số giới thiệu được khoảng 5 truyện ngắn, 10-15 bài thơ và một số bài nhạc của hội viên, chưa đáp ứng được nhu cầu giới thiệu, quảng bá tác phẩm của các tác giả.
Về kinh phí, theo quy định, khi nhạc sĩ ra CD; nhà văn, nhà thơ xuất bản sách sẽ được Hội hỗ trợ 5 triệu đồng. Nhưng mỗi năm, mảng âm nhạc chỉ có 2 suất hỗ trợ dành cho các nhạc sĩ. Số suất đã ít mà số tiền hỗ trợ cũng chỉ đủ để thu âm, phối khí 1 ca khúc thì việc giới thiệu ca khúc hay đến công chúng chỉ vào dạng “nhỏ giọt”. “Các tác phẩm âm nhạc cần được hát lên thành lời, thành giai điệu để đến được với nhiều người nghe, qua đó nhạc sĩ mới có cơ hội được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế, Hội VH-NT và các nhạc sĩ rất khó để tổ chức các buổi biểu diễn, giới thiệu ca khúc mới nên nhiều sáng tác mãi nằm trên trang giấy. Đó là điều chúng tôi rất trăn trở”, nhạc sĩ Hoàng Lương chia sẻ.
Thực tế, một số tác phẩm của hội viên Hội VH-NT tỉnh cũng rất có chất lượng. Vấn đề là nó chưa có điều kiện được cất lên bởi các ca sĩ tên tuổi nên ít được công chúng biết tới. Nhạc sĩ Hoàng Lương dẫn chứng về ca khúc “Như chưa hề có cuộc chia ly” của ông. Ca khúc được ông sáng tác năm 2011 sau khi xem chương trình truyền hình cùng tên trên sóng VTV. Trước khi trở nên nổi tiếng vì được ca sĩ Thu Minh trình bày, nó cũng được rất ít người biết đến.
Nhà thơ Huy Mậu thẳng thắn nhìn nhận, công tác phổ biến tác phẩm của hội viên chưa được Hội tổ chức quy mô, bài bản và thường xuyên. “Trong thời gian tới, Hội VH-NT dự kiến tham gia một gian hàng tại Đường sách Vũng Tàu để giới thiệu tác phẩm của hội viên trực tiếp đến với độc giả. Về âm nhạc, Hội dự kiến phối hợp Nhà Văn hóa thanh niên tỉnh tổ chức cuộc thi hát về BR-VT, trong đó ưu tiên các ca sĩ hát những ca khúc của nhạc sĩ BR-VT. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ phối hợp với các phòng triển lãm cá nhân, tổ chức các cuộc triển lãm, biểu diễn các tác phẩm VH-NT, giúp văn nghệ sĩ giới thiệu, quảng bá tác phẩm đến với công chúng.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH