65 năm hiện thực mong ước của Bác Hồ
Tháng 7/2024 có một sự kiện rất ý nghĩa với ngành dầu khí Việt Nam, đó là kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Khu công nghiệp dầu khí Baku (Azerbaijan), đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển ngành dầu khí Việt Nam.
Tại đây, Bác Hồ đã nói: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, khai thác và chế biến dầu, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh”… Ngay sau chuyến thăm này của Bác, nhiều cán bộ được Đảng và Nhà nước cử sang Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa để học các chuyên ngành về dầu khí.
Thực hiện ý nguyện lớn lao của Bác, suốt 65 năm qua các thế hệ người lao động dầu khí đã nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm thực hiện ước nguyện của Bác. Đến bây giờ, các thế hệ lão thành của ngành dầu khí không thể quên được vào những ngày cuối năm 1975, hàng ngàn người lính đã rời tay súng để xắn tay áo xây dựng một nền công nghiệp mới mẻ, với những yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật và có tính đặc thù cao. Những người lính ấy hoàn toàn không có một chút vốn kiến thức nào về dầu khí, tay nghề cơ khí, kỹ thuật….
Ấy thế mà, chính tay họ đã xây dựng nên những khu căn cứ dịch vụ cho ngành dầu khí, đã xông ra biển để tìm kiếm thăm dò. Họ đã tranh thủ từng ngày, từng giờ để học hỏi ở các chuyên gia nước ngoài. Và họ đã không quản ngại khó khăn. Tất cả chỉ hướng đến mục tiêu làm thế nào để nhanh nhất đuổi theo các cường quốc dầu khí, để học được cách chuyển tài nguyên dầu khí thành năng lượng phát triển kinh tế đất nước.
Để rồi đến ngày hôm nay, ngành dầu khí Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành “đầu tàu” của nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều năm, ngành dầu khí đóng góp đến 30% ngân sách quốc gia và tiếp tục có những đóng góp lớn, quan trọng kéo dài cho đến tận ngày nay. Hiện nay, Petrovietnam vẫn đóng góp lớn cho GDP cả nước, trung bình 9-10%; nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9-9,5% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước. Sản xuất, cung ứng hơn 70% nhu cầu xăng dầu, hơn 70-80% nhu cầu phân đạm và hơn 75% thị phần LPG cả nước. Petrovietnam cung cấp dịch vụ vận tải dầu khí, dịch vụ khoan dầu khí, dịch vụ xây lắp, chế tạo các công trình dầu khí, dịch vụ cho điện gió ngoài khơi trong nước và vươn ra thế giới…
Petrovietnam cũng đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên cả nước. Hàng năm, Petrovietnam và các đơn vị thành viên dành ra khoản kinh phí từ 300-500 tỷ đồng từ chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh và nguồn đóng góp của CBCNV trong toàn Tập đoàn cho các hoạt động an sinh xã hội. Trong đó, tập trung vào hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo, tài trợ xây dựng công trình y tế, giáo dục, nhà Đại đoàn kết và cứu trợ thiên tai, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh…
Với sự thành kính và biết ơn, tại các công trình, nhà máy, giàn khoan, trên đất liền hay ngoài biển khơi, người dầu khí đều dành một nơi trang trọng nhất để đặt phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn khẳng định: “Chúng ta có quyền tự hào và tự tin báo công đến Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, ngành dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiện thực hóa mong ước của Người”.
TRƯỜNG SƠN