Cân nhắc khi nâng ly
Thời gian qua, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn còn khá phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông (TNGT), làm thiệt hại về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.
Để kiềm chế, kéo giảm TNGT, Bộ Công an và lực lượng chức năng các địa phương trong toàn quốc đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, biện pháp xử lý nghiêm lỗi vi phạm nồng độ cồn đang cho thấy hiệu quả rõ rệt. Câu chuyện người phụ nữ đi xe đạp bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), Công an huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn (do gia đình làm nghề nấu rượu nên trước khi giao hàng cho khách, bà thường uống thử để kiểm tra nồng độ rượu) khiến dư luận xôn xao bàn tán mấy ngày nay.
Đây không phải chuyện đùa, mà là minh chứng cho thấy, lực lượng chức năng đã và đang cương quyết xử lý hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù đó là ai!
Thực hiện chủ trương chung đó, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 3348/UBND-VP chỉ đạo về việc chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT. Trong văn bản này, UBND tỉnh nhấn mạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định về TTATGT, với mục tiêu dần hình thành văn hóa “đã uống rượu bia thì không lái xe”. UBND tỉnh lưu ý, nếu người vi phạm TTATGT là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, thì ngoài việc xử lý theo quy định, lực lượng CSGT còn cần thông báo lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của người vi phạm để xử lý, nhất là các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ. Trường hợp cố tình tác động, can thiệp đến việc xử lý vi phạm của lực lượng CSGT thì báo cáo về UBND tỉnh để có hình thức xử lý…
Nội dung chỉ đạo tương tự như trên cũng đã và đang được nhiều địa phương trong cả nước triển khai thực hiện.
Trên thực tế, tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc các mối quan hệ để nhờ can thiệp khi vi phạm TTATGT diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Những cuộc điện thoại chỉ đạo “giải cứu” người vi phạm đẩy lực lượng CSGT vào tình thế khó xử. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, Bộ Công an đã yêu cầu lực lượng CSGT các địa phương xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.
Trao đổi nhanh với đồng nghiệp tại một số địa phương, thông tin người viết nhận được đều cho thấy: quan điểm chỉ đạo trên của Bộ Công an và lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã và đang được lực lượng CSGT thực hiện nghiêm. Trong đó, hành vi vi phạm về nồng độ cồn là “không thể bỏ qua”. Minh chứng là trong số những người vi phạm bị xử lý có cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức!
Chế tài xử lý theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP rất cao, được đánh giá là đủ sức răn đe. Theo đó, người lái ô tô vi phạm về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 năm. Mức xử phạt nồng độ cồn nặng nhất với người điều khiển mô tô, xe máy là từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Hình phạt, thái độ cương quyết xử lý với người vi phạm; chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và chính quyền các địa phương chính là những chế tài mạnh mẽ khiến mỗi người phải chùn tay, cân nhắc thiệt hơn: hoặc không uống rượu bia, hoặc không tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia! Hy vọng rằng, với những biện pháp quyết liệt này, TNGT trên cả nước sẽ từng bước được kiềm chế, kéo giảm ở cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương.
NGUYỄN ĐỨC