Thay đổi tư duy vùng chuyên canh trái cây xuất khẩu
Với việc hàng loạt mặt hàng trái cây chủ lực của nước ta (như sầu riêng, nhãn, bưởi, thanh long…) xuất khẩu chính ngạch thành công sang Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand… đã và đang mở ra nhiều cơ hội để đưa ngành hàng trái cây tăng tốc.
Trong giai đoạn nền kinh tế hội nhập sâu rộng hiện nay, sự cạnh tranh hàng hóa, thị trường luôn diễn ra khốc liệt, việc hình thành các vùng sản xuất lớn, chuyên canh những sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế của từng vùng là tất yếu. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tối đa hiệu quả của máy móc, vật tư. Đồng thời, giúp nâng cao trình độ canh tác của người nông dân, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm và thuận tiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển, nhất là việc xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái, tạo nguồn sản phẩm đa dạng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Từ mục tiêu hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn để chuẩn hóa về quy trình sản xuất là cơ sở để bảo đảm nguồn cung sản phẩm trái cây cả về sản lượng và chất lượng theo từng mùa vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Trên địa bàn tỉnh BR-VT, diện tích cây ăn trái của tỉnh bắt đầu tăng từ năm 2015, nhưng tăng mạnh nhất là từ năm 2018, 2019 đến nay. Nguyên nhân là do một số loại cây trồng như cao su, tiêu, điều, cà phê… rớt giá, nên nhiều hộ nông dân đã chuyển qua trồng các loại cây ăn trái đem lại thu nhập cao, như: Bưởi, xoài, chuối, bơ, sầu riêng… Trước thực trạng diện tích cây ăn trái tăng nhanh, ngoài việc khuyến cáo người dân không ồ ạt mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương hình thành các vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực, hình thành vùng nguyên liệu sản phẩm, hướng tới xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh đã thiết lập được 12 vùng chuyên canh trồng trái cây xuất khẩu được cấp mã vùng, chủ yếu là chuối, nhãn, bưởi, sầu riêng, với tổng diện tích 528,2 ha, sản lượng ước đạt hơn 10.730 tấn. Trong đó, vùng trồng nhãn của Công ty TNHH Thái Lâm (diện tích 11ha) và HTX Nhân Tâm (29,2 ha) thuộc huyện Xuyên Mộc, đã đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp mã số vùng trồng sang thị trường này. Mới đây, 5 vùng trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Châu Đức, cũng đã được Cục Bảo vệ thực vật thông báo về mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, với tổng diện tích 124,2 ha…
Tuy nhiên, thực tế sản xuất ở nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái của nước ta vẫn theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún. Liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa bền chặt nên chưa thể tìm được tiếng nói chung về sản lượng, chất lượng và đầu ra của sản phẩm.
Nhiều thông tin về thị trường còn hạn chế, nhất là yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp còn e dè khi tham gia vào các thị trường nhập khẩu khó tính, yêu cầu chất lượng sản phẩm đòi hỏi phải cao, ATVSTP luôn là tiêu chí hàng đầu.
Nhìn chung, việc thiết lập vùng chuyên canh dường như mới chỉ đạt về mặt diện tích, quy mô, nhưng chưa thật sự đạt những tiêu chí căn cơ của sản xuất lớn là chuẩn hóa từ quy trình sản xuất đến xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị hàng hóa trái cây xuất khẩu.
Do đó, thay đổi tư duy xây dựng các vùng chuyên canh trái cây xuất khẩu là một đòi hỏi tất yếu. Chuẩn hóa về quy trình sản xuất vùng chuyên canh, tạo nguồn sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao và ổn định lâu dài… cần phải được các địa phương chú trọng. Để được thiết lập mã số vùng trồng, trước hết các hộ sản xuất, các doanh nghiệp cần phải thay đổi phương thức canh tác, sản phẩm phải đạt yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Các HTX, các trang trại phải thực hiện nghiêm ngặt việc ghi chép nhật ký cây trồng, gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu… Đồng thời, từng bước chuyển hướng sang phương thức sản xuất hữu cơ, giúp nông sản nâng cao khả năng cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.
HOÀNG LÊ