Cần chính sách phát triển điện gió ngoài khơi
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội ngày một gia tăng. Đây là thách thức rất lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng trong nước đang ngày càng cạn kiệt.
So với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi như: có đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào và vùng đáy biển tương đối nông phù hợp cho việc dựng hệ thống móng cố định. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có một lợi thế đặc biệt, đó là có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết khi phát triển và xây dựng một trang trại gió ngoài khơi.
Hiện nhiều DN, nhất là các DN dầu khí đã tạo dựng được hệ thống hạ tầng lớn, từ kho cảng, nhà xưởng, nhà nổi, giàn khoan khai thác dầu khí trên biển. Và đặc biệt, các DN này đã xây dựng được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có năng lực phát triển công nghệ, làm việc với đối tác nước ngoài để phát triển dự án.
Điều này được chứng minh khi gần đây, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ phần lớn các dự án điện gió ngoài khơi cho các nhà thầu trong và ngoài nước.
Vietsovpetro cũng đã và đang cung ứng các dịch vụ liên quan để thực hiện các dự án trên biển. Lãnh đạo Vietsovpetro chia sẻ, với các thế mạnh liên quan đến công trình ngoài khơi, cùng với đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm cũng như nguồn tài chính hiện hữu từ quỹ phát triển sản xuất, Vietsovpetro tự tin đủ năng lực để tham gia vào dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8) đã đặt ra mục tiêu sẽ phát triển khoảng 16.000 MW điện gió trên bờ và gần bờ cùng khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến năm 2045, công suất đặt điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 64.500 MW.
Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng xác định ngành công nghiệp năng lượng là một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng cần được ưu tiên phát triển nhất là phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Như vậy, điện gió ngoài khơi được Việt Nam xác định là lĩnh vực phát triển đột phá trong chuyển dịch năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, cơ hội việc phát triển điện gió ngoài khơi cũng đang đối diện với những thách thức.
Tại hội thảo thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: “Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, ông Erik Kjaer, Cố vấn cao cấp, Cục Năng lượng Đan Mạch cho rằng, để phát triển ngành điện gió ngoài khơi, Chính phủ Việt Nam nên cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn và đúc kết kinh nghiệm để phát triển khung pháp lý phù hợp. Đồng thời, ưu tiên quy hoạch không gian biển; hợp đồng mua bán điện cần bảo đảm huy động vốn và tinh giản hoá quá trình cấp phép ở cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Ngoài ra, ông Erik cũng đề xuất thành lập BCĐ quốc gia về điện gió ngoài khơi có thể đưa ra các quyết định cần thiết nhằm hiện thực hoá điện gió ngoài khơi; sớm xác định và giải quyết những nhu cầu và lợi ích sử dụng không gian biển khác nhau; rà soát chính sách và pháp luật để kịp thời tạo điều kiện cho đầu tư điện gió ngoài khơi.
Về phía DN mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách phát triển điện gió ngoài khơi. Trước mắt có thể áp dụng cơ chế thí điểm với 3-4GW đầu tiên, sau đó áp dụng cơ chế đấu thầu để phát triển dự án trong dài hạn.
PHAN HÀ