Lắng nghe dân để được đồng thuận
Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang triển khai nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nhiều dự án trọng điểm. Với hàng trăm dự án đã, đang hoặc sắp được triển khai, diện tích đất, công trình bị thu hồi phục vụ dự án là rất lớn. Nếu không có sự đồng thuận của người dân, tổ chức có đất bị thu hồi thì tiến độ dự án sẽ bị đình trệ, kéo dài.
Vài năm gần đây, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh đã gặp nhiều thuận lợi, được người dân đồng thuận. Một số dự án từng bị ách tắc, kéo dài hàng chục năm do vướng khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, đến nay đã được khơi thông. Nhờ đó, tiến độ thực hiện dự án được đẩy nhanh, kịp thời đưa vào hoạt động, góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Có thể kể đến hàng loạt dự án, công trình trước đây từng vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đã được tháo gỡ như: nâng cấp mở rộng đường Thống Nhất (nối dài), mở rộng đường Nguyễn Tri Phương, đường Lương Văn Can (TP.Vũng Tàu). Gần đây nhất là tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu… đã được triển khai nhanh chóng, nhằm kịp thời bàn giao cho chủ đầu tư để khởi công đúng tiến độ cam kết.
Những kết quả tích cực đó là nhờ các địa phương đã linh hoạt, với nhiều giải pháp sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Chính quyền địa phương không còn phó mặc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho cơ quan chuyên môn như trước đây. Thay vào đó, lãnh đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ cấp xã đến cấp huyện đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giải phóng mặt bằng nhanh nhất: tổ chức hội nghị công bố việc triển khai dự án; gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân có đất bị thu hồi.
Trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại, lãnh đạo các địa phương đã thông báo rộng rãi chủ trương thu hồi đất và phổ biến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện dự án. Người dân nắm được mục đích, ý nghĩa của việc triển khai dự án cũng như những tác động tích cực đến kinh tế-xã hội và đời sống của chính mình sau khi dự án hoàn thành. Đồng thời, cơ quan chức năng và lãnh đạo chính quyền địa phương còn trực tiếp giải đáp, xử lý những thắc mắc, kiến nghị của người dân nếu thuộc phạm vi thẩm quyền hoặc hẹn trả lời sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền. Hình thức này giúp người dân được gặp lãnh đạo chính quyền, giúp họ hiểu hơn ý nghĩa, mục đích việc triển khai dự án, đồng thời hiểu rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. Với những trường hợp chưa đồng thuận, lãnh đạo các địa phương còn đến nhà để kiên trì tuyên truyền, vận động. Từ đó, người dân yên tâm hơn và đồng thuận bàn giao đất cho nhà nước để triển khai dự án.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp tại nhiều địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo với các mô hình: Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói, đối thoại với nhân dân… Trong những cuộc gặp gỡ trực tiếp này, người dân đã được lãnh đạo chính quyền lắng nghe, giải đáp và xử lý những điều còn chưa hiểu rõ, những vấn đề bức xúc nảy sinh trong đời sống. Từ đó, người dân hiểu và đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế tình trạng khiếu nại kéo dài, khiếu nại đông người. Đồng thời, các đối tượng xấu cũng không có cơ hội để lôi kéo, kích động người dân thực hiện các hành vi khiếu kiện, chống đối.
Những mô hình, cách làm sáng tạo nêu trên rất cần được duy trì, nhân rộng và thường xuyên rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
NGUYỄN ĐỨC