.

Không chỉ 180 ngày

Cập nhật: 19:21, 22/03/2023 (GMT+7)

Mỗi ngày cảng cá Cát Lở, TP. Vũng Tàu có hàng chục lượt tàu cá cập bờ - xuất bến. Theo thói quen, khi tàu cá ra khơi tàu đều thực hiện khai báo đầy đủ các thủ tục, ghi chép nhật ký khai thác, bật thiết bị giám sát hành trình 24/24 giờ, cũng như cam kết đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài. 8 loại giấy tờ khi ngư dân xuất cảng và cập cảng cũng như các thiết bị cần thiết trên tàu được rà soát. Cảng cá Cát Lở cũng là đơn vị được công nhận có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Để hoạt động đi vào nề nếp như thế này cũng phải mất một thời gian dài vận động, tuyên truyền, từng bước thay đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của ngư dân, ngăn chặn triệt để khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Với số lượng tàu cá và cảng cá đứng thứ 2 cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu đang cùng với các địa phương ven biển bước vào giai đoạn “nước rút”, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt giải pháp gỡ thẻ vàng hải sản. Đó là khẩn trương triển khai nhiều giải pháp trong 180 ngày hành động nhằm chống khai thác IUU với quyết tâm gỡ cảnh cáo thẻ vàng trong năm nay, sẵn sàng chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4" theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây, 3 chốt kiểm soát liên ngành về IUU tại cửa biển Sao Mai, Lộc An và Bình Châu đã được thành lập và đi vào hoạt động. Các chốt này được phép dừng tất cả các tàu cá ra vào cửa biển trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, kiểm soát về tàu cá, thuyền viên, giấy phép khai thác thủy sản. Đến nay, đã có 95% tàu cá trên 15m của tỉnh lắp thiết bị giám sát hành trình, 5% còn lại là tàu cá nằm bờ, không hoạt động...

Thời gian còn lại để Việt Nam khắc phục hạn chế theo khuyến nghị của EC trong đợt thanh tra lần thứ 3 còn rất ít. Trong khi đó, khối lượng công việc không hề nhỏ. Nghĩa là từ nay đến tháng 5/2023, các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý…

Tuy nhiên hiện nay, quy định chống khai thác bất hợp pháp không còn là yêu cầu của riêng thị trường châu Âu, mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác. Chẳng hạn như đối với Nhật Bản, từ ngày 1/12/2022 sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với 4 loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này gồm: mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích. Điều này đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận. Vì vậy cần phải có sự phối hợp, kiểm soát IUU nhịp nhàng, chặt chẽ giữa ngư dân, cơ sở thu mua, doanh nghiệp và địa phương, cơ quan chức năng.

Và rõ ràng, nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng”  không phải để đối phó với EC mà trước hết, đó là vì mục tiêu phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững.

NGÔ GIA

.
.
.