Thước đo tiến bộ, công bằng xã hội
Khu phố nhỏ nơi tôi ở chỉ tầm 30 gia đình, hầu hết đều còn trẻ, làm công nhân, lao động tự do và cả công chức nhà nước. Chiều nào cả khu phố cũng rôm rả khi các gia đình quây quần sau một ngày làm việc, mưu sinh. Trẻ nhỏ túm tụm cùng nhau chơi đùa, tập đọc ê a quanh chiếc bàn đá nhỏ, kê dưới tán cây xoài già hoặc chơi xích đu ở góc khuôn viên cạnh nhà. Một khung cảnh yên bình, hạnh phúc với những gia đình trẻ mỗi chiều về, vợ chồng cùng xắn tay vào bếp, cùng chăm lo chu đáo cho các con...
Khu phố nơi tôi ở lọt thỏm giữa thành phố biển, nhiều năm liền là khu phố văn hóa. Ở đây chưa từng nghe một lời cãi cọ từ những gia đình còn bộn bề lo toan. Những ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết, các gia đình trong khu phố thường quây quần, chia sẻ chuyện vui buồn, động viên nhau cùng gầy dựng tương lai, để con trẻ được học hành đến nơi, đến chốn.
Hạnh phúc ở mỗi người, mỗi gia đình có khi chỉ thu hẹp với những tiêu chí theo cảm quan của từng cá nhân là vợ chồng, con cái thuận hòa, chí thú làm ăn và cùng “đồng cam, cộng khổ”. Nhưng mở rộng ra cho cả một cộng đồng, thì như Liên hợp quốc khuyến cáo từ năm 2012, khi phát động toàn thế giới hưởng ứng Ngày Hạnh phúc (20/3): Hạnh phúc là thước đo tiến bộ, công bằng xã hội và là mục tiêu của chính sách công, với mức độ hài lòng của người dân về các chỉ báo cơ bản như thu nhập bình quân theo đầu người, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng, vị tha của các thành viên; sức khỏe cộng đồng, thái độ và phản ứng tích cực xã hội, tính đa dạng và sự cởi mở của văn hóa, sự đa dạng và biến đổi tích cực của môi trường sinh thái…
Qua nhiều năm hưởng ứng, Việt Nam đã dần cải thiện và vươn lên những thứ bậc cao trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Đơn cử, năm 2022, Việt Nam giữ vị trí 77, tăng 2 bậc so với năm 2021; trong khi năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83.
Với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân, Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Để hướng tới bảo đảm hạnh phúc cho nhân dân một cách bền vững, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân” trên cơ sở tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc; xây dựng các cơ chế, chính sách, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam; phát huy tối đa nhân tố con người - coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Cuối năm 2021, việc ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy sự ưu tiên hàng đầu và quan tâm đặc biệt đến nội dung này. Nghị quyết 05 được coi là "bản lề" quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà. Bởi, hạnh phúc chính là thước đo tiến bộ, công bằng xã hội.
HẠ VY