Karaoke và công điện khẩn của Thủ tướng

Thứ Tư, 07/09/2022, 18:49 [GMT+7]
In bài này
.
Vụ cháy quán karaoke xảy ra tối 6/9 tại khu phố 1A, phường An Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương làm hơn 20 người chết và hàng chục người bị thương khiến ai nghe tin cũng bàng hoàng đau xót.

Thông tin ban đầu từ chính quyền địa phương, quán karaoke An Phú do ông Lê Anh Xuân (42 tuổi) làm chủ, hoạt động từ năm 2016. Quán có 30 phòng hát, diện tích sàn xây dựng hơn 1.500m2, khu vực cháy khoảng 400m2, nằm ở tầng 2. Lửa bén vào đệm mút cách âm, gỗ nội thất của toà nhà nên bùng cháy dữ dội, bịt kín lối thoát hiểm. Nhiều người không chịu được sức nóng phải chạy ra ban công, sau đó nhảy từ tầng 2 xuống đất, bị thương nặng.

Vụ cháy lại thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động tình trạng mất an toàn về PCCC tại các quán karaoke. Bởi trước đó, đã có những vụ cháy thảm khốc tương tự, khiến cho nhiều người thương vong.

Cách đây không lâu, chiều 1/8, quán karaoke ISIS (Hà Nội) đã xảy ra cháy khiến 3 chiến sĩ cảnh sát hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Trước đó, ngày 1/11/2016, quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) bốc cháy khiến 13 người tử vong và 4 căn nhà chung quanh hư hỏng nặng. Và còn rất nhiều vụ cháy lớn khác, không chỉ là quán karaoke, vũ trường mà còn xảy ra tại nhiều cơ sở kinh doanh, chợ, gây thiệt hại lớn về con người và tài sản.

Sau mỗi vụ cháy lại bộc bộ hàng loạt vấn đề về công tác PCCC. Đặc biệt là tại các tụ điểm kinh doanh vũ trường, karaoke là những loại hình thường xuyên xảy ra cháy và gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, các quán kinh doanh karaoke đều là nhà ống nhiều tầng, thiết kế cách âm, cách nhiệt nên thường xây dựng che chắn kín các phòng, khó khăn trong thoát hiểm. Hành lang thường chật hẹp, hệ thống loa, giàn âm thanh và các thiết bị điện dễ gây chập cháy. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng đầu tư đúng mực về công tác PCCC.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tâm từ các vụ cháy nổ. Trong đó vẫn là do ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người dân đối với công tác PCCC chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của PCCC; còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng thiết bị điện trong sinh hoạt. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các quy định về PCCC…

Ngay trong sáng 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện khẩn, chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC tại Nghị quyết 102 của Chính phủ ngày 9/8/2022, Công điện 683 của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/8/2022, Công văn ngày 21/4/2022 của Văn phòng Chính phủ...

Trong công điện, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp UBND các địa phương kiểm tra, rà soát tổng thể các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định, không để xảy ra các vụ việc tương tự.

Đây là việc làm hết sức cần thiết, cấp bách và thường xuyên. Đặc biệt là cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền cho người dân cũng như nâng cao kỹ năng PCCC, cứu hộ cứu nạn và thoát nạn cho nhân dân khi xảy ra cháy nổ, không coi đây là phong trào, mà là nhiệm vụ bắt buộc của các cơ quan, đơn vị, công ty, cơ sở kinh doanh… Ngoài ra cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh công trình vi phạm, kiên quyết không cho công trình xây dựng chưa đạt yêu cầu về PCCC vào sử dụng. Phải coi trọng việc phòng cháy hơn chữa cháy, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

NGÔ GIA 

 

;
.