Nghĩ từ ly trà sữa

Chủ Nhật, 28/08/2022, 19:53 [GMT+7]
In bài này
.

Tuần rồi, báo chí trong nước dẫn kết quả nghiên cứu của tổ chức liên doanh Momentum Works và Qlub cho biết, người Việt chi tới 362 triệu USD (8.500 tỷ đồng) cho trà sữa trong năm 2021, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Chuyện không có gì đáng nói, nếu như không có những chia sẻ mang tính “tự kiểm” của một bộ phận người tiêu dùng một thời cuồng trà sữa, sẵn sàng nhịn cơm, nhịn mua sắm để có được thứ thức uống thời thượng này. Những “cựu tín đồ” trà sữa ấy tự kiểm rằng, họ đã nướng tiền quá mức vào những thứ làm nổi bật bản sắc cá nhân - trong đó có trà sữa, dẫn đến việc coi chủ nghĩa tiêu thụ là một mục tiêu sống.

Một trung niên chia sẻ trên trang cá nhân rằng, hồi còn trẻ trung bình mỗi tuần chị uống 7 ly trà sữa, mỗi ly 50 ngàn, một tháng tốn 1,4 triệu đồng. “Uống một lần thấy chẳng là bao, nhưng cộng lại 1 năm thì cũng… giật mình. Vậy mà mình đã có đến chục năm nghiện thứ trà này!”.

Một người khác cảm thán: “Không tin được trong 1 năm chúng ta tiêu tiền vào trà sữa nhiều tới vậy!”

Một “tín đồ” khác nhìn xa hơn: “8.500 tỷ đồng mỗi năm cho trà sữa, tương đương số thu ngân sách 1 năm của 1 tỉnh ở Tây Nguyên. Nghĩ sâu xa mà giật mình!”.

Tất nhiên, những chia sẻ mang tính “tự kiểm” trên đây chỉ là ý kiến, quan điểm cá nhân, không đại diện cho tất cả người tiêu dùng và lại càng không mang tính đả phá, hoặc phê phán một ai. Nhưng những chia sẻ thẳng thắn ấy lại gợi lên nhiều suy nghĩ về chủ nghĩa tiêu dùng, về lối sống YOLO (You only live once, có nghĩa là “Bạn chỉ sống 1 lần”).

 Khởi nguồn tại Đài Loan từ những năm 80 của thế kỷ trước, trà sữa trân châu nhanh chóng lan ra và “gây bão” trên khắp Đông Nam Á. Ngày nay, trà sữa là một trong những thức uống được ưa chuộng hàng đầu trên khắp hành tinh. Những “tín đồ” trà sữa sẵn sàng bỏ ra hàng giờ xếp hàng, để có được ly thức uống mà mình yêu thích.

Du nhập Việt Nam từ năm 2002, trà sữa đã nhanh chóng gây nên cơn sốt trong giới trẻ, học sinh, sinh viên. Theo thời gian, đối tượng khách hàng mở rộng, đa dạng hơn, trong đó một bộ phận không nhỏ là nhân viên văn phòng. “Cơn bão” trà sữa ở Việt Nam đã khiến một tờ báo Nhật ra số chuyên đề về đề tài này, trong đó có nêu chi tiết khiến họ ngạc nhiên: 1 ly trà sữa đắt hơn 1 tách cà phê, nhưng mức giá cao cũng không làm giảm độ thu hút của chúng đối với các nữ nhân viên văn phòng và giới sinh viên. Đó có lẽ là lý do khiến gần 100 thương hiệu trà sữa và hàng ngàn tiệm trà sữa “homemade” khác lần lượt hội tụ trên khắp đất nước Việt Nam. Bỏ qua việc giá cả đắt đỏ, bất chấp khuyến cáo của các thầy thuốc, rằng uống trà sữa quá nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, không ít bạn trẻ cho biết sẵn sàng nhịn cơm, nhịn mua sắm để thỏa mãn “cơn nghiện” trà sữa mỗi ngày.

Sự hòa quyện độc đáo của trà và sữa cộng với các loại mùi hương, toping phong phú, hấp dẫn khiến trà sữa dễ dàng chiếm trọn trái tim giới trẻ, trở thành một trào lưu chưa bao giờ hạ nhiệt. Nhưng, món trà sữa lôi cuốn, thu hút, réo gọi người trẻ ngồi đồng “chém gió” hàng giờ còn bởi cái tâm lý khẳng định và nâng tầm vị trí của mình trong xã hội.

Có lẽ sẽ không thừa khi nhắc lại ý kiến của một chuyên gia tâm lý - giáo dục rằng, nếu vận dụng lối sống Yolo không đúng, sẽ dẫn đến những hậu quả xấu. Nó sẽ dần khiến hành vi sống hưởng thụ leo thang. Theo chuyên gia này, sống Yolo không phải là tận hưởng cuộc sống hết mức, mà còn là cách góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Có một thực tế là, do hiểu chưa đúng về lối sống Yolo, không ít người tiêu dùng đã chi phần lớn thu nhập của mình vào những khoản chi bất hợp lý. Họ không quan tâm nhiều đến quản lý tài chính cá nhân - một trong những vấn đề quan trọng mà bất cứ ai cũng cần biết để định hướng cho tương lai.

Mọi quyết định chi tiêu được đưa ra hôm nay đều ảnh hưởng đến tình hình tài chính của bạn trong tương lai. Cách để mỗi người trong chúng ta thoát khỏi bẫy “lạm phát lối sống” là thay đổi tư duy về tiêu dùng. Lập ngân sách chi tiêu sẽ giúp bạn biết nguồn tiền của mình đến và đi như thế nào. Kiếm tiền và đầu tư là khả năng, còn mỗi đồng tiết kiệm được chắc chắn sẽ là của bạn!

“Tư vấn” chí lí đó của các chuyên gia tài chính đáng được người tiêu dùng - đặc biệt là giới trẻ tham khảo, làm theo.

TRƯƠNG TÙNG

;
.