Cho vay lãi nặng hết đất diễn

Thứ Ba, 06/09/2022, 19:03 [GMT+7]
In bài này
.

Vay lãi nặng có lẽ là cụm từ ám ảnh nhất đối với chị T., một phụ nữ ngoài 50 tuổi, hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà làm nội trợ. Một ngày như mọi ngày bình thường khác, chị quét dọn sân nhà và nhặt được tờ rơi do ai đó ném vào. Tờ rơi có thông tin ngắn gọn về cho vay tiền thủ tục đơn giản, lãi suất thấp… và chị đã thử liên hệ qua số điện thoại được in đậm trên mảnh giấy nhỏ chỉ để hỏi vay “nóng” 5 triệu đồng đặng giải quyết tạm thời nhu cầu cần kíp.

Chị T., được chào đón nhiệt tình bằng một giọng nam mềm mỏng và đúng như quảng cáo, chỉ 5 phút sau chị đã nhận được tiền. Vậy nhưng, cũng giọng nam ấy đã đeo bám chị cả năm trời đằng đẵng với lời lẽ không còn chút ngọt ngào nào, thậm chí còn đe dọa cả người thân của chị để đòi nợ và khoản lãi phát sinh ngày càng nhiều thêm. Chị T., còn ân hận mãi về sau vì đã giới thiệu cho cả “hội bạn thân” hỏi vay theo số điện thoại trên, để rồi nhiều người phải “gánh” cả cục lãi mẹ đẻ lãi con. Chị T., còn bị nhóm cho vay lãi nặng đến tận nhà khủng bố, dọa siết nợ bằng cách “dọn sạch” đồ đạc, vật dụng sinh hoạt của gia đình.

Câu chuyện của chị T., đã xảy ra từ vài ba năm trước, ở một địa bàn nông thôn của tỉnh. Nhóm cho vay nặng lãi sau đó đã bị tóm gọn bởi công an địa phương. Trong thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân cho vay lãi nặng đã bị truy quét, nhưng vòi bạch tuộc vay lãi nặng vẫn còn hoành hành, nhắm vào những người nghèo, yếu thế và công nhân lao động.

Mới đây, trong phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào cuối tháng 8 của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, cần phải đổi mới tư duy, phương pháp luận và có cách tiếp cận toàn diện hơn, lấy người dân là trung tâm, việc xây dựng chính sách đều hướng tới người dân. Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành phải nhanh chóng vào cuộc nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa triển khai thực hiện chiến lược một cách toàn diện. 

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020. Quan điểm, mục tiêu của chiến lược là thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác. Hệ thống tài chính Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo, giúp mọi người dân được thụ hưởng thành quả của phát triển kinh tế.

Chiến lược được coi là “chìa khóa” để xóa bỏ tận gốc vay lãi nặng khi mọi người dân ở mọi miền của đất nước đều dễ dàng tiếp cận với dịch vụ tài chính chính thống. Các cấp, các ngành cũng được đặt ra “đầu bài” để giải bài toán cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng yếu thế khác không còn phải tiếp cận vay lãi nặng.

Đối với công nhân lao động, Ngân hàng Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã cùng bàn giải pháp phối hợp giải ngân gói tài chính tiêu dùng lên tới 20 ngàn tỷ đồng cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi, chỉ bằng 50% lãi suất thị trường. Đây được xem là một trong những công cụ tài chính hiệu quả, không chỉ góp phần ngăn chặn vấn nạn vay lãi nặng mà còn giúp công nhân được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi phục vụ cuộc sống. Nhưng để phát huy hiệu quả, gói tín dụng này cần sớm được triển khai.

Tin rằng, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, vay lãi nặng sẽ không còn “đất diễn” khi người dân, nhất là đối tượng yếu thế, công nhân lao động dễ dàng được tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện như Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo.

HẠ VY

 
;
.