Mong chờ nới "room" tín dụng

Thứ Hai, 29/08/2022, 19:45 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, câu chuyện cạn “room” (hạn mức tăng trưởng) tín dụng không chỉ là vấn đề cấp bách của các ngân hàng mà còn liên quan đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp cần nguồn vốn. Dư luận lo ngại, những tháng cuối năm nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao; nếu không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, e rằng "tín dụng đen" sẽ bùng phát.

Sau thời gian tích lũy được một khoản tiền kha khá, đầu tháng 8 vừa qua, anh N.V. H làm việc cho một công ty ở thành phố Bà Rịa dự định vay thêm ngân hàng để mua căn hộ chung cư trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu tại một số ngân hàng, anh H đều được phản hồi từ phía các nhân viên tín dụng là đã hết “room” tín dụng. Anh H đành phải dừng lại kế hoạch mua nhà, chờ  xoay xở từ các nguồn vay khác.

Không riêng gì cá nhân, mà hiện nay nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ rất cần vốn để thanh toán công nợ và mở rộng kinh doanh dịp cuối năm nhưng không sao vay được vốn từ ngân hàng.

Theo phản ánh từ các ngân hàng, hiện nay, hầu hết đã sắp cạn hoặc đã cạn “room” tín dụng, do đó họ phải ưu tiên cho vay lĩnh vực sản xuất và hàng hóa thiết yếu để phục vụ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Đồng thời tăng quay vòng vốn bằng cách tăng cho vay ngắn hạn, giảm cho vay dài hạn…

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Đây là chỉ tiêu khá phù hợp, nếu nhìn vào thực tế tăng trưởng của các năm trước, cụ thể tăng trưởng tín dụng thực tế của năm 2021 là 13,53%, tăng trưởng năm 2020 là 12,13%, năm 2019 là 13,5%... Tuy nhiên, nhu cầu vay của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2022 đã có nhiều đổi khác so với các năm trước.

Tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 6,68%. Với nhu cầu tín dụng như trên, nhu cầu vay có thể sẽ đạt quy mô và tốc độ nhanh hơn khá nhiều so với năm ngoái, theo đó, “room” tín dụng nếu không được mở thì tình trạng cung ít cầu nhiều diễn ra là điều tất yếu. Thực tế thời gian qua cũng có khá nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế, ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nới “room” tín dụng để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng.

         Nhằm  đáp  ứng kịp  thời, đầy  đủ  nhu cầu vốn cho nền kinh tế, mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giải đáp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần này, Ngân hàng nhà nước sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay.  Những ngân hàng được xem xét nới "room" tín dụng phải có hệ số an toàn vốn cao, mô hình quản trị rủi ro tốt, có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế hoặc nhận chuyển giao các tổ chức tín dụng yếu kém. Thông tin này rất đáng mừng khi mà nhìn vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn ở mức cao.

Các ngân hàng, người dân, doanh nghiệp đang mong chờ từng ngày thông tin nới “room” tín dụng từ Ngân hàng nhà nước.

HOÀNG MINH

;
.