Sống chung an toàn với dịch bệnh
Trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh, cuộc chiến chống COVID-19 của nước ta bước đầu đã có những thay đổi, được xác định sẽ chung sống lâu dài với đại dịch. Với các biến chủng mới xuất hiện ngày càng nguy hiểm và khó đối phó hơn, chúng ta sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch, song song với mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm sinh kế của nhân dân, duy trì mọi mặt đời sống xã hội.
Có thể thấy rằng, song hành với công tác phòng chống dịch là việc thiết lập các kịch bản thích ứng an toàn nhằm góp phần quan trọng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Nhấn mạnh thêm về điều đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, cũng đã xác định: “Phải nhận thức rõ tính chất phức tạp, khó lường của đại dịch. Việt Nam đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, chúng ta sẽ chủ động sống chung an toàn với dịch bệnh, nhanh chóng thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng”. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng đã chỉ rõ 6 nguyên tắc để thích ứng, bao gồm: Y tế là trụ cột, là cơ sở; kinh tế là nền tảng trung tâm; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; dữ liệu khoa học công nghệ là then chốt; ý thức của người dân, văcxin, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; thích ứng với dịch bệnh là động lực phấn đấu vươn lên.
Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và BCĐ quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị quyết Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, xác định mục tiêu công tác phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Chủ động sống chung an toàn với dịch bệnh, chuyển mục tiêu từ “zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh” đang nhận được sự quan tâm và đồng tình không chỉ của các ban chỉ đạo, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp mà còn của các tầng lớp nhân dân. Bởi thực tế cho thấy, gần 2 năm qua, vi rút SARS-CoV-2 đã liên tục biến đổi, hết đợt dịch này lại đến một đợt dịch khác, nhiều khi không thể đoán trước được. Việc phong tỏa, cách ly quá nghiêm ngặt trên diện rộng mỗi khi dịch bùng phát đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Trong đó, đáng lưu ý là chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, sản xuất của nhiều doanh nghiệp, kinh tế của nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, nguồn lực quốc gia bị bào mòn; hệ thống y tế và một số lực lượng tuyến đầu có dấu hiệu quá tải…
Thay đổi chiến lược sang sống chung an toàn với COVID-19 là bước chuyển hướng đúng đắn, uyển chuyển và rất kịp thời; là sự thể hiện một cách tiếp cận mới phù hợp với những diễn biến về công tác phòng chống dịch của nước ta hiện nay. Trong khi tỷ lệ bao phủ vắc xin đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ bao phủ toàn dân và các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được phát triển, đưa vào sử dụng nhưng chưa có thuốc đặc trị, các địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần về trạng thái bình thường mới.
Để sống chung với dịch bệnh COVID-19, đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị cần chủ động hơn trong việc thích ứng với diễn biến của tình hình dịch bệnh. Việc bảo đảm cho các hoạt động của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kép. Các địa phương, các doanh nghiệp cần tiến hành và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những khu vực đủ điều kiện, với phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời và quyết liệt; bảo đảm hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.
HOÀNG LÊ