Học cách tồn tại
Lúc 18 giờ 48 phút ngày 10-7, cầu thủ thiếu niên Thái Lan thứ 12 đã được đưa ra khỏi hang Tham Luang. Không lâu sau đó, người cuối cùng là HLV của các em đã được đưa ra ngoài an toàn sau 17 ngày sống sót dưới hang động trong điều kiện nước ngập lênh láng.
Vụ mất tích và cuộc giải cứu thành công đội bóng đá nhí Heo Rừng của Thái Lan thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Thủ tướng Iceland, bà Katrín Jakobsdóttir, là nguyên thủ đầu tiên lên tiếng chúc mừng tin tốt lành từ hang Tham Luang. Bà viết trên Twitter: “Hôm nay, hy vọng, lòng trắc ẩn và sự can đảm đã chiến thắng. Xin gửi lời chúc nồng ấm nhất từ những người bạn Iceland đến tất cả các bạn - những chàng trai quả cảm - rằng tất cả sẽ chóng hồi phục sau biến cố này”.
Vụ việc xảy ra từ ngày 23-6 với đội bóng Heo Rừng gồm 12 thành viên nhí dưới 16 tuổi và Ek, HLV 25 tuổi của các em trong chuyến tham quan, khám phá và bị mắc kẹt trong hang Tham Luang khi nước lũ bất ngờ tràn vào. Rất nhiều lời khen ngợi của báo chí cũng như người dân quan tâm dành cho sự sáng suốt của chính quyền; sự bình tĩnh, trách nhiệm, gan dạ và chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ với những kế hoạch và quyết định mang tính chất “cân não” cho sự sống còn của 13 mạng người. Thay vì quở trách, lại có rất nhiều lời cảm ơn từ phía các bậc phụ huynh của đội bóng dành cho HLV Ek của các em khi anh đã bằng kinh nghiệm của mình điều khiển được 12 em nhỏ duy trì được sự sống trong từng ấy ngày không lương thực, không nước uống, thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí… Có lẽ đó cũng chính là điều chúng ta cần tìm hiểu, học hỏi.
Còn nhớ, tháng 10-2017, anh Bùi Văn Dũng, sinh sống dưới chân dòng thác dữ ở xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) cùng vợ con may mắn thoát chết trong một cơn sạt lở đất giữa đêm đen như mực nhờ chính vào chiếc đèn pin bé nhỏ. Mặc dù đất sỏi cuồn cuộn ập vào ngôi nhà, đè lên hơn nửa người, nhưng nhờ có ánh sáng le lói từ chiếc đèn pin, anh Dũng đã với lấy được thanh gỗ bị gãy trên xà nhà để khoét đất thành lỗ nhỏ hở ra, đưa vợ và con gái chui ra ngoài chạy nạn. Chiếc đèn pin còn là vị cứu tinh giúp anh Dũng dò tìm đường đưa vợ con thoát khỏi vùng sạt lở.
Câu chuyện của anh Dũng hay của đội bóng nhí Thái Lan thoát nạn đều có tình tiết may mắn. Nhưng cũng từ câu chuyện may mắn và hy hữu này, chúng ta cũng chắc chắn một điều rằng, con người có lúc cũng cần được dạy cách để sống, để tồn tại và cũng rất cần có những bài học đối mặt với cái chết và vượt qua nó như thế nào. Với người Nhật, một đất nước luôn đối mặt với những thảm họa thiên tai như: bão lũ, động đất, sóng thần, ngoài việc nghiên cứu và sử dụng các phương án về quy hoạch kiến trúc phù hợp với từng vùng miền, sử dụng các vật liệu và kết cấu công trình xây dựng có khả năng chịu lực và chịu các tác động của rung chấn từ những cơn động đất, thì điều quan trọng hàng đầu là phải hiểu biết và chuẩn bị tư trang cần thiết cho một cuộc vượt qua thảm họa để giữ lấy mạng sống. Họ dạy những đứa trẻ từ khi còn bé, lúc ở nhà, khi đến trường. Họ dạy cho công nhân khi đến công sở. Họ dạy cả cho du khách khi đến tham quan Bảo tàng Động Đất (Kobe) cần chuẩn bị những chiếc túi gọn nhỏ đựng tất cả những vật dụng cần thiết: từ chiếc đèn pin, cái xẻng nhỏ, đến chai nước, lương khô, bịch thuốc cứu thương và giảng giải cách sử dụng những vật dụng tầm thường đó vào lúc nào, hiệu quả ra sao…
Có nhiều cách để học, nhưng học từ thực tiễn và bài học xương máu từ các vụ việc xung quanh luôn có giá trị. Thời gian gần đây, rất nhiều địa phương trong cả nước, cùng các ngành chức năng tổ chức các lớp học chuyên đề, các buổi thực tập khá sôi động dạy trẻ em các kỹ năng sống: bơi, cứu thương, thoát hiểm khi xảy ra cháy… Nhiều nhà trường, nhiều nhóm phụ huynh cũng mạnh dạn tổ chức các buổi dã ngoại, thám hiểm rừng, hang động, qua đó hướng dẫn con trẻ ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Tất nhiên, để đi đến thành công, đạt được kết quả cao trong mô hình giáo dục thực nghiệm này thì công tác tổ chức, điều hành chương trình giáo dục này phải được chuẩn bị chu đáo và được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm. Sự trải nghiệm “xương máu” được coi là sự chủ động của mỗi con người khi đối mặt với hiểm nguy, hơn bao giờ hết cần phải được dạy, không chỉ dành cho trẻ em, mà còn với cả người lớn, trong từng gia đình, từng câu lạc bộ đội nhóm, từng giờ học của các nhà trường, trong công xưởng, khu vui chơi, trong cả cộng đồng dân cư và cho tất cả những ai biết gìn giữ, trân trọng sự sống.
THÁI AN