.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm

Cập nhật: 15:55, 09/07/2018 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây tác hại đến sản phẩm nông nghiệp, đến đời sống và môi trường đã được các nhà khoa học, các cơ quan báo chí và các chuyên gia nước ngoài lên tiếng báo động và đưa ra nhiều khuyến cáo thiết thực. Thực tế cũng đã chứng minh những tác động tiêu cực của việc lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Cách đây chưa lâu, hồ tiêu của nước ta khi xuất khẩu vào thị trường EU và Ấn Độ, đã bị khách hàng cảnh báo và có nguy cơ bị đình chỉ vì dư lượng Metalaxyl (hoạt chất trừ nấm) cao gấp nhiều lần mức cho phép.

Riêng về rau, củ (một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của ngành nông nghiệp nước ta) cũng đã bị phát hiện có tới hơn 221 loại thuốc trừ sâu còn tồn dư, trong đó có gần một nửa vượt quá nồng độ tối đa cho phép hoặc bị cấm. Khoảng gần 10 năm trở lại đây, các nước thuộc khối EU, Australia, Mỹ, Nhật Bản … đã từ chối 483 sản phẩm rau, củ xuất khẩu của Việt Nam với trị giá hơn 1 tỷ USD. Trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố nước ta khi được điều tra về các điểm tồn lưu hóa chất BVTV, đã phát hiện 1.257  khu vực gây ô nhiễm môi trường. Trong số đó có 198 khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, 565 khu vực đất có ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu nhưng chưa đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm.

 Kết quả thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gần đây của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho thấy: Các vi phạm chủ yếu của người nông dân khi sử dụng thuốc BVTV  là sử dụng thuốc không đúng nồng độ, liều lượng; bao bì vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định và không sử dụng phương tiện bảo hộ khi phun thuốc, bón phân. Qua kiểm tra 14.854 hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV  thì có đến 4.978 hộ (chiếm 33,5%) sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định, không bảo đảm lượng nước khi pha chế, sử dụng thuốc BVTV với nồng độ cao hơn mức cho phép. Còn trên địa bàn tỉnh BR-VT, tình trạng sử dụng và buôn bán thuốc BVTV vẫn còn nhiều bất cập.  Sau 1 tháng thực hiện công vụ, Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT đã tiến hành thanh tra 69 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng; phát hiện 15 cơ sở vi phạm (chiếm 21,7%), trong đó đã xử phạt hành chính 4 cơ sở vi phạm do kinh doanh thuốc BVTV không có trong danh mục được sử dụng, buôn bán; thuốc BVTV có nhãn không đúng theo quy định; 11 cơ sở còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu vi phạm để có biện pháp xử lý cụ thể.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nêu trên là do nông dân và các trang trại sản xuất nông nghiệp bất chấp những lời cảnh báo, vẫn sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc BVTV một cách tùy tiện, vượt mức cho phép. Hiện nay, từ việc sử dụng đến việc quản lý thuốc BVTV vẫn là một trong những vấn đề lớn, còn nhiều tồn tại trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Lạm dụng thuốc BVTV đã và đang gây ra nhiều hậu quả xấu đối với người nông dân và người tiêu dùng, cả về vấn đề sức khỏe lẫn tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm nông nghiệp, giống, cây trồng và đất đai canh tác hàng năm.

Đáng lo ngại hơn, mặc dù trên mỗi vỏ bao bì thuốc BVTV (trừ các loại thuốc không rõ nguồn gốc) đều có đầy đủ các thông số kỹ thuật và hướng dẫn cách sử dụng cụ thể, nhưng nhiều nông dân ít quan tâm tới các quy định này, mà tự ý sử dụng thuốc theo nhu cầu, pha tăng nồng độ lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi để diệt nhanh, diệt tận gốc sâu hại, mà không biết dư lượng thuốc còn tồn tại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm và  môi trường sống.

Ô nhiễm môi trường, sản phẩm nông nghiệp bị nhiễm hóa chất do thuốc BVTV tồn lưu gây ra, đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhằm khắc phục những tồn tại trong việc sử dụng, quản lý thuốc BVTV, các cơ quan chuyên ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc BVTV một cách có ý thức. Loại bỏ dần những loại thuốc BVTV độc hại, khuyến khích nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học, thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, củ, quả an toàn và thân thiện với môi trường.

HOÀNG LÊ

.
.
.