Điều chỉnh "văn hóa rượu bia"
“Uống rượu bia có trách nhiệm!”
Ngành an toàn giao thông đã nghĩ ra một câu khẩu hiệu ngắn thật hay dành cho những người lái xe nhưng lại có ý nghĩa đối với cả cộng đồng. Khuyến cáo đầy tính nhân văn này đưa ra thật đúng lúc khi mà hệ lụy do lạm dụng rượu bia mang lại không chỉ là tai nạn giao thông ngày càng nhiều mà còn nhiều vấn nạn khác cho xã hội như đánh nhau, bệnh tật, lãng phí, đói nghèo.
Nói đến chuyện “bia bọt” ở nước ta, không thể không giật mình với những con số và “danh hiệu” được nêu ra tại hội thảo về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 4 năm nay: “Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước với bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm. Chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên toàn thế giới.
Chẳng có gì đáng tự hào khi là “cường quốc” về uống bia rượu khi mỗi năm “danh hiệu” này đã lấy đi của người Việt Nam nhiều máu và nước mắt do bệnh tật và tai nạn giao thông liên quan đến người sử dụng bia, rượu. Đáng buồn thay, tệ ăn nhậu, bia bọt ở nước ta chẳng những không giảm mà còn “liên tục phát triển”, chưa có điểm dừng!
Có lẽ ít có xứ sở nào mật độ các nhà hàng, tiệm ăn, quán nhậu dày đặc như ở nước ta. Cứ ra khỏi ngõ là gặp quán nhậu, không những một quán mà là nhiều quán: Loại sang, trung lưu, bình dân… đủ cả. Nội thành, ngoại thành, tỉnh lẻ… quán nhậu ngày càng mọc lên như nấm sau mưa. Bàn công chuyện làm ăn ư? Rủ nhau ra quán nhậu cho “có không khí”! Bạn bè lâu ngày gặp nhau? Mời ra quán nhậu tâm tình. Mới “vô mánh” hả, khao “chiến hữu” đi chứ? Lại ra quán! “Rửa lon” (mới được thăng chức), “rửa xe” (mới sắm xe mới), hoặc “rửa” bất cứ cái gì cũng nhậu! Sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng con thì khỏi phải nói: Đặt tiệc mang đến tận nhà, “quậy” tưng bừng, “chơi tới bến” luôn! Sang chơi theo sang, nhậu ở nhà hàng máy lạnh, có chỗ gác tay, thích cái gì chiều cái nấy. Nghèo thì chơi theo kiểu nghèo, trước kia thịnh hành “bia lên cơn”, bây giờ phổ biến là bia chai, kẹt lắm vài xị rượu thuốc cũng đủ bù khú với nhau suốt từ chiều đến tối, đỡ tốn cơm nhà(!)
Dù là tiền túi cá nhân hay là công quỹ thì với mức tiêu thụ 3 tỷ lít bia đồng nghĩa mỗi năm người Việt phải bỏ ra khoảng 3,4 tỷ USD cho việc sử dụng rượu bia, gần bằng 3% số thu ngân sách của cả nước. Nếu như mọi người “uống có trách nhiệm” thì số tiền không nhỏ này có thể xây được rất nhiều bệnh viện, trường học và nhiều công trình phúc lợi khác.
Những hệ lụy từ việc lạm dụng rượu bia ai cũng biết, cũng thấy nhưng xem ra người ta vẫn chưa từ bỏ được những ham muốn đối với thức uống hấp dẫn này. Đã đến lúc mỗi công dân, từ cán bộ công chức cho đến người dân nhìn lại, tự điều chỉnh “văn hóa rượu bia” để từ đó “uống có trách nhiệm” hơn với bản thân, với xã hội, cộng đồng. Và cũng đã đến lúc cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, có hiệu quả đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia: Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, hạn chế từ sản xuất, kinh doanh và kiểm soát về chất lượng của các loại bia rượu; phải có quy định rõ ràng về đối tượng được sử dụng bia rượu, bán ở đâu, vào thời điểm nào, bán như thế nào và mức độ bán ra sao. Đánh thuế cao hơn nữa đối với mặt hàng rượu bia cũng là biện pháp cần thiết để vừa tăng nguồn thu ngân sách vừa ngăn chặn tình trạng lạm dụng và những hệ lụy kèm theo.
NGUYỄN TRIỆU HẢI